Nếu trước đây, thủ công mỹ nghệ được “mặc định” gắn với hoạt động của các làng nghề, phố nghề, với các nhóm nghề như: Kim hoàn, mây tre đan, khảm trai, gốm sứ, điều khắc gỗ… thì bây giờ, với sự giao lưu quốc tế và nhu cầu của cuộc sống, người ta sẽ không khỏi “giật mình” trước sự phong phú của các ngành, các nghề xung quanh giá trị lõi là sản phẩm thủ công. Những mẩu giấy, mẩu da, miếng xà bông cũng trở thành “nhân vật chính” của công nghiệp văn hoá.
Hơn một năm nay, cứ vào dịp cuối tuần, quán cà phê Dreamery (ngách 75, ngõ 173 Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội) lại nhộn nhịp với những workshop mà chủ đề chính là câu chuyện về… xà bông và nến thơm. Hoạt động được tổ chức bởi Oniria Craft House. Tham gia workshop chủ yếu là các bạn học sinh tiểu học. Các bạn được nghe nói chuyện và tự tay làm ra những bánh xà bông, những cây nến cực kỳ “cute” để làm kỷ niệm, hoặc làm quà tặng người thân. Phụ huynh các em cũng rất hài lòng, vì con em mình có những giờ chơi ý nghĩa.
Trần Thị Thuỷ và Nguyễn Thuỳ Linh là những người sáng lập ra Oniria Craft House. “Oniria là thế giới giấc mơ trong một tác phẩm văn học. Thế giới mà người ta phá bỏ đi những giới hạn thực tế. Những cây nến, những miếng xà bông cũng có thể làm nền cho người ta thả sức sáng tạo”, Trần Thị Thuỷ cho biết. Thông thường, mỗi dịp workshop, các sản phẩm đều có những chủ đề nhất định.
Thí dụ như sắp đến Giáng sinh, bọn trẻ sẽ được làm cây nến, miếng xà bông gắn với hình ảnh cây thông, gói quà, ông già Noel… Những chiếc khuôn là “nền”, để từ đó, dưới sự hướng dẫn của Oniria Craft House, các bạn nhỏ sẽ sáng tác thành tác phẩm của riêng mình. Tất cả các nguyên liệu đều được sử dụng theo xu hướng “xanh”. Thí dụ nến được làm từ sáp ong, sáp bơ, sáp đậu nành… hương thơm cũng được sử dụng bằng tinh dầu thiên nhiên. “Kết quả, bọn trẻ sẽ có thêm nhận thức về sống hoà hợp với thiên nhiên”, Trần Thị Thuỷ cho biết thêm.
Những lớp học làm nến, xà bông thủ công trở thành một dịch vụ đào tạo thu hút cả người lớn lẫn trẻ em (Ảnh: Onira Craft House)
Nếu tìm cụm từ “xà bông thảo dược” hay “nến thơm thủ công”, sẽ có hàng nghìn kết quả, trong đó, hàng trăm kết quả liên quan đến các hoạt động trải nghiệm, thực hành. Xà bông và nến vốn là những sản phẩm thủ công. Chúng được “công nghiệp hoá” sản xuất hàng loạt. Bây giờ, khi được thêm câu chuyện, được làm handmade, bổ sung yếu tố mỹ thuật và sự tương tác, chúng trở thành sản phẩm của dịch vụ, của văn hoá - sáng tạo.
Thậm chí, dịch vụ đào tạo (workshop) còn hình thành cả một “thị trường ngách” hướng dẫn làm thủ công các sản phẩm tiêu dùng như xà bông, tinh dầu, nến thơm, son môi,… dành cho người ưa các sản phẩm từ thiên nhiên, gắn với câu chuyện thân thiện với môi trường. Khi được “văn hoá hoá”, giá trị của chúng cũng tăng lên nhiều lần.
Công nghiệp văn hoá có tới 12 lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực thủ công mỹ nghệ hiện đang nở rộ hơn cả. Câu chuyện của miếng xà bông, cây nến cho thấy tiềm năng rất lớn. Cho dù doanh nghiệp, tổ chức tham gia lĩnh vực thủ công mỹ nghệ thường là những đơn vị nhỏ, hoặc siêu nhỏ, nhưng một số lượng lớn các đơn vị, trong nhiều ngành nghề, trong đó có cả những ngành nghề mới lạ. Điều đó dẫn đến kết quả là Hà Nội đang có một cộng đồng nhân lực tham gia công nghiệp văn hoá không hề nhỏ.
Nếu chỉ tính riêng những địa chỉ tổ chức các workshop nến thơm, đã có thể liệt kê một danh sách dài: Tiệm nến handmade Canary (21 phố Châu Long, quận Ba Đình), Lamocandle (ngõ 136 phố Tây Sơn, quận Đống Đa), Lamo Studio (Hào Nam, quận Đống Đa), Thekandle (Hàng Bún, quận Ba Đình), Candle by An (Hoàng Minh Giám, quận Thanh Xuân)… Không chỉ là những trải nghiệm, người ta thậm chí còn có thể “học nghề” qua các workshop.
Nếu trước đây, thủ công mỹ nghệ được “mặc định” gắn với hoạt động của các làng nghề, phố nghề, với các nhóm nghề như: Kim hoàn, mây tre đan, khảm trai, gốm sứ, điều khắc gỗ… thì bây giờ, với sự giao lưu quốc tế và nhu cầu của cuộc sống, người ta sẽ không khỏi “giật mình” trước sự phong phú của các ngành thủ công. Hàng loạt nghề mới ra đời. Có những công việc trước đây hầu như không ai tưởng tượng được. Với nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, nghệ nhân thường làm theo quy trình, mẫu mã có sẵn, chỉ một số ít có khả năng “ra mẫu” mới. Còn thủ công “mới”, điểm mạnh của nghệ nhân là thiết kế, sáng tạo những sản phẩm mới, là tính cá biệt hoá của sản phẩm; thậm chí là những tác phẩm độc bản.
Nhìn sâu hơn để thấy giá trị mới cho làng nghề, từ sáng tạo chất liệu mới, phát triển dịch vụ mới, kênh bán mới, du lịch làng nghề kiểu mới (Ảnh: Mai Thương)
Gấp giấy Origami xuất phát từ Nhật Bản. Khi du nhập vào Việt Nam, những năm đầu gấp giấy chỉ là một trò chơi. Nhưng hiện giờ, đã có nhiều tên tuổi trong “làng” gấp giấy, với những sản phẩm không hề rẻ. Nổi bật trong số đó là Nguyễn Nam Sơn, người đã đoạt hàng loạt giải thưởng từ các cuộc thi quốc tế. Với những mảnh giấy trong tay, Nguyễn Nam Sơn có thể gấp… cả thế giới. Nguyễn Nam Sơn thường sử dụng giấy dó để vừa thuận lợi trong tạo hình, vừa có tính dân tộc. Điều gây ấn tượng nhất là khả năng sáng tạo và những chi tiết “nhỏ li ti” trên tác phẩm, thí dụ như vảy rồng, vảy kỳ lân… Tại Hà Nội hiện có nhiều chuyên gia gấp giấy như Hoàng Quyết Tiến, Đỗ Anh Tú, Nguyễn Việt Hưng…
Cũng chỉ từ những tờ giấy, còn có một loại hình thủ công khác là cắt giấy kirigami. Hiện không ít bạn trẻ theo đuổi nghệ thuật độc đáo này và bước đầu thu được thành công. Những workshop gấp giấy, cắt giấy thường xuyên được tổ chức.
Điều đặc biệt ở lĩnh vực thủ công mỹ nghệ “mới” là sự gia tăng giá trị rất cao. Một chiếc ví điêu khắc da có thể có giá lên tới hàng chục triệu đồng. Một chiếc túi xách thủ công của các nghệ nhân có giá không kém cạnh nhưng chiếc túi hàng hiệu. Và khi cầm chiếc ví trên tay, người ta thấy chúng rất đáng tiền. Điêu khắc trên da đang là nghề mới, khá thịnh hành do nhu cầu dùng đồ “độc bản” ngày càng cao. Ở Hà Nội, một trong những nghệ nhân nổi tiếng là Nguyễn Diệu Linh. Những chiếc túi, chiếc ví được điêu khắc thành những bức tranh độc bản là thương hiệu của Diệu Linh và cho cô thu nhập khá cao.
“Điêu khắc trên da” tuy là nghề mới nhưng được nghệ nhân Nguyễn Diệu Linh nâng tầm cho sản phẩm da thủ công quen thuộc, đem lại giá trị cao (Ảnh: VnExpress)
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2024 là một cuộc “ra quân” của những nghệ nhân trẻ tuổi trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, chủ yếu là những ngành mới, sản phẩm mới lạ.
Trong khuôn khổ Lễ hội, có tới hai Hội chợ. Một Hội chợ “Bí mật” tổ chức tại Vườn hoa Tao Đàn mà một Hội chợ khác mang tên Makers Market - Child Routes tổ chức tại Rạp Công Nhân - Phố Tràng Tiền.
Lĩnh vực thủ công mỹ nghệ luôn đòi hỏi sự sáng tạo. Và để tham gia Hội chợ này, đơn vị tổ chức Hanoi Indie Troupe (HIT) đưa ra yêu cầu rất khắt khe, nhà sản xuất thủ công phải tự mình biến đổi nguyên liệu thô, làm chủ các kỹ thuật chính để tạo ra đảm bảo công năng, thẩm mỹ của sản phẩm; hoặc các nghệ sĩ, nhà thiết kế phải có các sáng tạo gốc, làm chủ các kỹ thuật, quy trình để tạo ra sản phẩm cuối cùng, có phong cách cá nhân. Nói cách khác, HIT sẽ đem đến công chúng… toàn hàng “độc”.
Gian hàng hội chợ của Hanoi Indie Troupe không chỉ thu hút đông du khách mà còn là nơi hội tụ nhiều sản phẩm thủ công tinh xảo, từ quen thuộc tới độc lạ
Câu hỏi lớn nhất là người ta sẽ tìm thấy gì ở Hội chợ?
Gi gỉ gì gi, cái gì cũng có.
Hầu như ai cũng ưa thích vẻ đẹp hoài niệm của những chiếc tem thư. Nhưng tam thư ở Hội chợ lại là những tác phẩm ký hoạ vẽ tay của nhóm Nhịp Phố. Mỗi chiếc tem, bưu thiếp là một tác phẩm ký hoạ được vẽ tay với màu nước, tái hiện lại những nét đẹp hoài niệm và trầm mặc của kiến trúc truyền thống, những con phố cũ kỹ, những ngôi đình, đền lâu đời - những không gian đậm chất Việt.
Trong khi đó Hang Handmade đem đến cả một thế giới đồ thêu, với những con thú xinh xắn để gắn lên bất cứ nơi đâu người ta thích. Rồi là các loại túi thêu, áo dài thêu đến những món đồ dễ thương nhỏ nhắn như pin cài, kẹp tóc, nơ… Tất cả đều được thêu bằng những sợi chỉ màu.
Umakemego đem đến cả một “thế giới mèo”, với vô vàn thiết kế từ hình ảnh chú mèo. Mèo làm lọ hoa, mèo làm đèn bàn… với những tư thế độc lạ không giống ai.
Đồ trang sức, hoa khô, móc khoá, tranh, đồ đan len, những sản phẩm thời trang…, nến thơm tất nhiên, và cả những sản phẩm… rất khó gọi tên đều có mặt.
Khoảng hơn 80 nhà sản xuất đồ thủ công đang và sẽ hiện diện tại hai Hội chợ của HIT trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 - “sàn giao dịch lớn” dành cho cả người trong nghề, các nhà đầu tư tìm sản phẩm kinh doanh sáng tạo và khách hàng tìm mua sản phẩm thủ công chất lượng.
Đừng quên, nếu bạn đang quan tâm đến mặt hàng thủ công mỹ nghệ, thì những hội chợ tại Lễ hội năm nay sẽ là một cơ hội hiếm có và rất đáng trải nghiệm. Bởi ở đây, có lẽ sẽ rất khác những gì người ta thường biết thủ công mỹ nghệ truyền thống. Và dù dưới hình dạng gì, sức sáng tạo của nghệ nhân là không giới hạn. Nó không chỉ nâng giá trị cho sản phẩm Việt, góp phần thúc đẩy nền công nghiệp văn hóa Việt, mà còn là minh chứng và niềm cảm hứng cho sức sáng tạo của chính người Việt ta./.