Tin tức & Bài viết

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Nội 2024 - Định vị một sản phẩm văn hóa sáng tạo đặc trưng

Đăng ngày
18/11/2024

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội – Định vị một sản phẩm văn hóa sáng tạo đặc trưng

Sau 9 ngày (từ ngày 9-17/11/2024) diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 đã chính thức khép lại với nhiều ấn tượng và cảm xúc đọng lại. Với hơn 100 hoạt động, sự kiện được diễn ra trong một không gian rộng; thu hút hàng chục vạn khách tham quan, trải nghiệm; hình thành nhận thức mới cho cộng đồng về hoạt động sáng tạo và những hiểu biết mới về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội tiếp tục khẳng định tính hiệu quả mà nó mang lại, đồng thời định vị là một sản phẩm văn hóa sáng tạo đặc trưng của Thủ đô.

Dấu ấn mới

Bước sang năm thứ 4 được tổ chức, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội được ghi nhận đã để lại nhiều dấu ấn mới, thể hiện tinh thần sáng tạo không giới hạn của các đơn vị tổ chức, các chuyên gia, giới sáng tạo Hà Nội. Đó là các sản phẩm sáng tạo được xây nên từ tâm huyết của các nghệ sĩ, kiến trúc sư và những người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo nói chung.

Lễ hội lần đầu tiên được thí điểm theo tuyến tại trục “Tinh hoa di sản” (phố Lý Thái Tổ - Lê Thánh Tông) và trục “Kinh tế sáng tạo” (dốc Bác Cổ - phố Tràng Tiền) với các điểm di sản và các vườn hoa. Trong đó, Ban tổ chức kỳ vọng sẽ hình thành trục Kinh tế sáng tạo cho thành phố trong tương lai, trở thành điểm nhấn cho khu vực trung tâm thành phố. Bởi lẽ, trục Tràng Tiền đang sở hữu vị trí đắc địa, có nhiều lợi thế trong việc phát triển thương mại, tập trung đông khách du lịch nên việc hình thành trục Kinh tế sáng tạo đang có nhiều thuận lợi.

Hơn 110 hoạt động, sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Lễ hội cũng cho thấy tinh thần cộng hưởng sáng tạo luôn mạnh mẽ. Đó là các diễu hành cộng đồng sáng tạo, công trình biểu tượng, sắp đặt không gian sáng tạo, hoạt động triển lãm - trưng bày, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trải nghiệm, các tọa đàm hội thảo quốc tế và trong nước. Trong đó có nhiều hoạt động, sự kiện để lại ấn tượng tốt trong công chúng bởi sự độc đáo, sáng tạo. Có thể kể tới ba Pavilion (công trình biểu tượng) gồm: “Hành lang Ấu Trĩ” tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, “Dòng” ở Vườn hoa Diên Hồng và Bắc Bộ Phủ, “Rồng Rắn lên mây” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được đặt ngay trong lòng các di sản tạo ra cuộc đối thoại với chính các di sản đó.

Năm nay, cũng là lần đầu tiên Ban tổ chức phối hợp với các đơn vị lữ hành xây dựng các tour du lịch văn hoá và du lịch sáng tạo kết hợp trong các hoạt động của Lễ hội nhằm đưa khách tham quan đến gần hơn với di sản, giới thiệu về giá trị văn hoá, lịch sử, kiến trúc trong tuyến Lễ hội có kết hợp với thưởng thức nghệ thuật truyền thống và các hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội. Bên cạnh việc thí điểm tour sáng tạo thì có một hình thức khác cũng được triển khai đó là thuê trợ lý chuyến đi, cùng tự thiết kế tour. Các chuyên gia sáng tạo cũng vào cuộc thử nghiệm dẫn “tour giám tuyển”, “tour kiến trúc sư”, “tour nghệ sĩ” nhằm giúp tối đa hóa khả năng tiếp cận thông tin cho khán giả.

Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết: Giá trị ý nghĩa nhất mà Lễ hội mang lại là hình thành nhận thức mới cho người dân về sáng tạo cũng như về văn hóa, lịch sử, kiến trúc thông qua các hoạt động trải nghiệm, tương tác với di sản, tham gia các hoạt động cộng đồng. Tinh thần sáng tạo được lan tỏa không chỉ ở giới trẻ mà cả những người lớn tuổi và các em thiếu nhi. Trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, các kênh báo chí, truyền thông, các hoạt động được đánh giá có chất lượng chuyên môn cao, được vận hành chuyên nghiệp và an toàn, tạo ra những trải nghiệm phong phú và đầy cảm hứng cho cộng đồng.

Tại Lễ hội năm nay, cộng đồng trở thành một phần của Lễ hội. Họ không chỉ đến tham quan, trải nghiệm mà còn tương tác, hòa nhịp với các hoạt động, sự kiện. Từ các hoạt động cộng đồng, trưng bày, triển lãm, trình diễn, biểu diễn đến cả các hội thảo, tọa đàm đều thu hút rất đông người dân và du khách. Tại một số hoạt động như Lễ diễu hành sáng tạo, các nghệ sĩ đã chủ ý đưa cộng đồng vào thành một phần của hoạt động, hay các hoạt động cộng đồng tại Cung Thiếu nhi, các vườn hoa, tuyến phố Tràng Tiền đều hướng đến người dân và du khách.

Đây là những nét mới, tạo sự khác biệt, tăng thêm sức hấp dẫn và tạo thành công cho Lễ hội, gợi ý nhiều hướng khai thác các sản phẩm dịch vụ mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế sáng tạo Hà Nội. Những thí điểm thành công này cũng mở ra các điều kiện chuẩn bị cho sự ra mắt Trung tâm điều phối hoạt động sáng tạo Hà Nội.

Sản phẩm văn hóa sáng tạo đặc trưng

Nếu như mùa Lễ hội năm 2023 thu hút 230 nghìn lượt khách tới tham quan thì Lễ hội năm nay lượng khách tăng đột biến, lên tới 300 nghìn lượt. Trong đó những ngày cuối tuần, Lễ hội đón tới gần 60.000 người chỉ trong một ngày tại các điểm có cổng ra vào, chưa kể đến các không gian mở như vườn hoa hay không gian công cộng. Nhân dân và du khách kiên nhẫn xếp hàng, háo hức chờ tham quan. Điều đó cho thấy sức hút của Lễ hội và công tác tổ chức chuyên nghiệp, bài bản, tạo sức hấp dẫn đối với người dân và du khách.

Trong số này, đa phần khách tham quan là giới trẻ. Điều này rất có ý nghĩa khi Hà Nội đang trong quá trình phát triển Thành phố sáng tạo, cần phát triển nguồn nhân lực sáng tạo trong giới trẻ. Bởi đây là lực lượng tiềm năng, nhanh nhạy và rất giàu sức sáng tạo.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội còn tạo sức hút đối với du khách khi một số địa điểm lần được mở cửa đón du khách tham quan như Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ Phủ), Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Tổng hợp) và còn rất nhiều hoạt động sáng tạo khác; đặc biệt là việc đưa cộng đồng trở thành một phần Lễ hội. Sự tham gia đông đảo của nhân dân Thủ đô và du khách là điều đặc biệt, đã khiến lễ hội trở thành một sự kiện văn hóa sáng tạo mang tính cộng đồng sâu sắc, truyền cảm hứng mạnh mẽ về đổi mới, sáng tạo và phát triển bền vững.

Ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam chia sẻ: Các triển lãm công cộng, hội thảo, chương trình tọa đàm, biểu diễn nghệ thuật và nhiều hoạt động khác trên khắp thành phố không chỉ mang đến cho chúng ta góc nhìn thú vị về cách sáng tạo và đổi mới, có thể định hình lại môi trường quen thuộc, mà còn là cơ hội tuyệt vời để người dân và du khách cùng nhau tôn vinh thành quả của sự sáng tạo. Lễ hội năm nay là cơ hội đưa những công trình kiến trúc nổi bật gắn liền với lịch sử Hà Nội đến gần hơn với cuộc sống của người dân. Tôi khuyến khích bạn hãy tận dụng cơ hội tuyệt vời này để khám phá những viên ngọc quý của Hà Nội trong tất cả sự lộng lẫy của mình.

Đến nay, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội đã tạo được dấu ấn đối với nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân trong nước và quốc tế; rất nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm và học hỏi cách thức tổ chức Lễ hội. Lễ hội được tổ chức thường niên và luôn là sự kiện để mọi người, nhất là giới trẻ mong đợi để được tham quan, trải nghiệm và tham gia tương tác. Hoạt động này đồng thời là điểm nhấn trong quá trình Thủ đô đang hiện thực hoá cam kết khi tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. /.