Tin tức & Bài viết

Nội với bài toán đào tạo nguồn nhân lực sáng tạo

Đăng ngày
18/11/2024

Hà Nội với bài toán nguồn nhân lực sáng tạo

Là một trong ba trụ cột phát triển của Thành phố Sáng tạo, giáo dục sáng tạo nhằm lan tỏa tinh thần sáng tạo trong cộng đồng và tạo nguồn nhân lực cho hoạt động sáng tạo đóng vai trò quan trọng. Một trong những giải pháp tối ưu được thành phố Hà Nội đặt ra là, xây dựng một nền giáo dục sáng tạo và hình thành nên những thế hệ công dân sáng tạo, công dân toàn cầu. Từ đó đặt ra vấn đề phát triển những môi trường sáng tạo, hệ sinh thái giáo dục sáng tạo để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn giúp Hà Nội xây dựng và giữ vững thương hiệu Thành phố Sáng tạo.

Yêu cầu cần thiết phát triển Thành phố sáng tạo

Sáng tạo đã trở thành nguồn lực lớn nhất cho sự phát triển thế giới trong những năm vừa qua. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đặt thế giới trong một tâm thế phát triển mới, ở đó, kinh tế sáng tạo đang dẫn dắt thế giới tới những mô hình và sản phẩm mới, không giống với những gì chúng ta đã từng chứng kiến trong lịch sử.

Giáo dục sáng tạo là một trong ba nhóm chính sách nền tảng được Hà Nội tập trung thực hiện, nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thành phố sáng tạo, đưa Hà Nội trở thành một trong những trung tâm công nghiệp văn hóa lớn của cả nước, hướng tới vị trí là Kinh đô sáng tạo quan trọng của khu vực và châu Á. Không chỉ hướng tới mục tiêu phát triển Thành phố sáng tạo, mà việc phát triển giáo dục sáng tạo còn tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, toàn diện trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội… đảm bảo cho chiến lược phát triển toàn diện và bền vững của Thủ đô.

Thực tế cho thấy, giáo dục sáng tạo tại Hà Nội chưa được đầu tư đúng mức, dẫn đến nguồn nhân lực cho hoạt động này luôn trong tình trạng thiếu và yếu. Theo PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, bất cập đầu tiên, trong nhà trường việc nhận thức coi các môn liên quan đến văn hóa nghệ thuật là những môn phụ vẫn còn khá phổ biến, khiến các môn học này không phát huy hết tinh thần sáng tạo cho học sinh. Nguồn nhân lực cho giáo dục sáng tạo, cả nhân lực, tài chính và cơ sở vật chất, còn thiếu và yếu. Một mặt, giáo dục sáng tạo chưa cập nhật sự phát triển chung của thế giới, tình trạng vi phạm bản quyền ở nhiều lĩnh vực sáng tạo còn diễn ra phổ biến ảnh hưởng đến nhận thức và môi trường minh bạch cho sáng tạo. Các hoạt động giáo dục sáng tạo còn thiếu sự liên kết, tương đối nghèo nàn, đơn điệu, chưa thực sự thu hút được sự tham gia đông đảo, chủ động, tích cực của người dân.

Tại các trường học phổ thông và ngay cả tiểu học, giáo dục sáng tạo dường như chưa đề cập nhiều. Còn bậc cao đẳng, đại học chỉ có một số ít các trường có chuyên ngành đào tạo liên quan đến sáng tạo, đó là mỹ thuật, nghệ thuật, kiến trúc, điện ảnh, khoa học liên ngành... Trong đó, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp được coi là một trong những đơn vị có những quan tâm nhất định đến thiết kế sáng tạo. Trường đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng như các đơn vị khác tổ chức những cuộc thi thiết kế sáng tạo, ví như Cuộc thi “Hà Nội sáng tạo”, Cuộc vận động thiết kế trang trí thành phố Hà Nội năm 2023, cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền “Gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa Thủ đô Hà Nội”, cuộc thi “Thiết kế không gian triển lãm Tinh hoa làng nghề Hà Nội”, Liên hoan Sinh viên nội thất và Triển lãm “Tinh hoa làng nghề truyền thống Hà Nội”... nhằm thúc đẩy các hoạt động trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo. Còn các trường khác, dù có tổ chức các chuyên ngành liên quan đến sáng tạo nhưng chưa tạo được dấu ấn rõ nét. Bởi vậy, đẩy mạnh công tác giáo dục sáng tạo trong hệ thống các trường học là điều cần thiết để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực sáng tạo cho Thủ đô.

Phát triển nguồn nhân lực sáng tạo Thủ đô

Thực tế, giáo dục sáng tạo được coi là xu hướng giáo dục tất yếu của hiện tại và tương lai. Bởi, sáng tạo có khả năng thúc đẩy quá trình học tập trên nhiều bình diện, nuôi dưỡng trí thông minh, cảm xúc, giáo dục sáng tạo là chìa khó phát triển trong thời đại mới. Tuy nhiên, trong quá trình hình thành và phát triển hệ sinh thái giáo dục hướng đến phát triển năng lực sáng tạo ở Thủ đô, mặc dù những nhân tố đã hình thành, nhưng còn thiếu rất nhiều chủ thể và các yếu tố. Vì vậy, Hà Nội cần có chương trình giáo dục sáng tạo xuyên suốt trong các nhà trường phổ thông. Một số chuyên gia cũng cho rằng, việc xây dựng trường học thông minh là một trong những giải pháp phát triển giáo dục Hà Nội theo hướng hiện đại, sáng tạo và hội nhập quốc tế.

Dựa vào kinh nghiệm của các thành phố sáng tạo lĩnh vực thiết kế, PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, thành phố cần tạo cơ hội để học sinh được thực hành kỹ năng thiết kế sáng tạo. Mục tiêu của giải pháp này là tổ chức các hoạt động giáo dục, dự án để người dân và học sinh phổ thông được thực hành những kỹ năng thiết kế, cải tiến sản phẩm. Đặc biệt, Hà Nội cần xây dựng mạng lưới của các nhà thiết kế sáng tạo ở trường, cụm trường phổ thông liên kết với các hội nghề nghiệp, các tổ chức, cá nhân uy tín. Mục tiêu của giải pháp này là kết nối các chuyên gia, nâng cao năng lực, uy tín cho các tổ chức, cá nhân lĩnh vực thiết kế sáng tạo, truyền cảm hứng đến các nhà trường để người học được giúp đỡ, được hướng dẫn nuôi dưỡng ý tưởng, thực hành thiết kế. Kinh nghiệm của Geelong (Australia), Kobe (Nhật Bản), Singapore, Helsinki cho thấy vai trò của các chuyên gia rất quan trọng, nhất là xây dựng nguồn nhân lực cho sáng tạo một cách chuyên nghiệp, có kế thừa, có dẫn dắt.

Là người đồng hành với việc phát triển Thành phố sáng tạo ngay từ giai đoạn đầu, bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản – Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chia sẻ, nhiều thành phố trên thế giới quan tâm đến giáo dục di sản cho học sinh ngay khi còn nhỏ. Ví dụ như tại Singapore, người ta biến một số công trình thành trường thực nghiệm dành cho trẻ tự kỷ, còn ở châu Âu tái thiết nhà kho bỏ hoang thành các lớp học cho hoạt động sáng tạo của học sinh, ở Nhật cũng biến nhà kho của các nhà máy, xí nghiệp thể trở thành nơi dạy kỹ năng ứng phó thiên tai cho học sinh. Hà Nội hiện chưa có nhưng cũng cần tính đến việc này trong giai đoạn tới.

Còn bà Trần Thị Ngọc Hân, Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho rằng, Việt Nam, với tiềm năng to lớn về nghệ thuật, sáng tạo và văn hóa, hiện đang trong thời điểm chín muồi để phát triển các mô hình giáo dục sáng tạo mang tính tích hợp, sẽ là công cụ cho sự phát triển của công nghiệp văn hóa và sáng tạo và các ngành công nghiệp khác của đất nước. Bên cạnh giáo dục sáng tạo trong trường học, các nhà quản lý ở tất cả các cấp có thể sử dụng đặc điểm để tạo điều kiện lồng ghép các khía cạnh liên quan đến văn hóa và sáng tạo vào giáo dục thông qua các hoạt động ngoài nhà trường.

Để thực hiện hóa tầm nhìn “Kinh đô sáng tạo” của Đông Nam Á trong lĩnh vực thiết kế, Hà Nội xác định 3 trụ cột chính, đó là: Tái tạo, phát triển đô thị trên cơ sở lấy văn hóa làm nền tảng; mạng lưới giáo dục sáng tạo với ưu tiên cho nghệ thuật và khoa học; hệ thống chuỗi tổng thể các sự kiện, hội chợ, triển lãm và lễ hội văn hóa cũng như việc xây dựng và quảng bá thương hiệu Thành phố sáng tạo. Trong đó giáo dục sáng tạo cần được ưu tiên trong giai đoạn hiện nay để tạo nguồn nhân lực sáng tạo chất lượng cao phục vụ phát triển các hoạt động sáng tạo của Thủ đô./.