Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 gia tăng cơ hội kết nối quốc tế từ đầu tư sáng tạo xuyên biên giới
-Trâm Nguyễn-
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 không chỉ là một sự kiện văn hóa đơn thuần mà còn có thể trở thành một cầu nối quan trọng để thúc đẩy hợp tác phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Việc đầu tư vào sáng tạo xuyên biên giới thông qua Lễ hội này không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, mà còn góp phần đưa Hà Nội trở thành một trung tâm sáng tạo của khu vực và quốc tế.
Đầu tư sáng tạo xuyên biên giới qua các lễ hội thiết kế sáng tạo
Sáng tạo xuyên biên giới là hướng đi quan trọng trong thời đại toàn cầu hoá và xu thế phát triển của kinh tế sáng tạo hiện nay. Bên cạnh việc giúp mở rộng thị trường, tăng khả năng học hỏi kinh nghiệm, thúc đẩy giao thoa, đổi mới sáng tạo, việc đầu tư sáng tạo mở rộng ra quốc tế còn giúp nâng cao khả năng cạnh tranh, xây dựng thương hiệu của thành phố và của quốc gia.
Một trong những “công cụ” hiệu quả để thực hiện đầu tư sáng tạo xuyên biên giới chính là các lễ hội quy mô thành phố hoặc quốc gia. Các lễ hội không chỉ là những sự kiện văn hóa, du lịch quy mô lớn mà còn là cầu nối quan trọng để kết nối các nhà sáng tạo, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Lễ hội là một môi trường giúp tạo nên sự chú ý, giúp “khoe” các tài năng và sản phẩm nghệ thuật, là kênh kết nối hữu hiệu, tạo điều kiện cho các nhà thiết kế, nghệ sĩ, doanh nghiệp khởi nghiệp, nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới gặp gỡ, trao đổi ý tưởng, chọn lựa sản phẩm và tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển. Cùng với sự lớn mạnh về thương hiệu trên trường quốc tế, các cơ hội đầu tư từ ngoài biên giới sẽ xuất hiện nhiều hơn.
Trên thế giới, các lễ hội thiết kế như Milan Design Week của Ý, London Design Week của Anh, New York Design Week tại Mỹ, Tokyo Design Week,... được biết đến như một trong những sự kiện thiết kế lớn thu hút hàng ngàn nhà thiết kế, doanh nghiệp và nhà đầu tư đến tham dự. Tại đây, các giao dịch đầu tư lớn thường được ký kết, tạo ra những hợp tác quan trọng giữa các quốc gia.
Tại Milan Design Week năm 2024, một không gian triển lãm thiết kế nội thất của Việt Nam cũng đã lần đầu tham gia “sàn” hội nhập lớn nhất thế giới này. Sự xuất hiện của Vietnam Pavilion giúp kết nối những bước đi mới mẻ của ngành Nội thất và Mỹ nghệ Việt Nam nói riêng, cũng như công nghiệp sáng tạo Việt Nam nói chung, tham gia vào sân chơi quốc tế bằng thực lực và tiềm năng đầy hứa hẹn; đồng thời thúc đẩy hơn nữa năng lực của ngành nội thất và mỹ nghệ trong nước, giúp nâng cao giá trị sản phẩm made – in Việt Nam.
Ảnh. Với chủ đề Materia Natura (Vật liệu thiên nhiên) của Tuần lễ thiết kế Milan 2024, không gian Vietnam Pavilion dưới sự sáng tạo của đội ngũ kiến trúc sư, nhà thiết kế Việt Nam đã mang đến trưng bày đầy màu sắc và sáng tạo, ứng dụng các vật liệu tự nhiên truyền thống, thân thiện với môi trường, nêu bật được sự đa dạng của vật liệu tự nhiên cũng như văn hoá Việt Nam, tạo nguồn cảm hứng và thông điệp bền vững. (Nguồn ảnh: Tạp chí Kiến trúc)
Ảnh: Cannes Lions International Festival of Creativity tại Pháp từ những năm 1940 là lễ hội sáng tạo quốc tế quy tụ những sáng tạo đỉnh cao trong lĩnh vực quảng cáo và truyền thông. Hàng năm khoảng 15.000 đại biểu từ 90 quốc gia đến thăm Lễ hội phản ánh những xu hướng sáng tạo mới nhất trong ngành quảng cáo đồng thời tạo điều kiện cho các agency quảng cáo trên toàn thế giới kết nối với các khách hàng lớn, tìm kiếm những dự án hợp tác mới. (Nguồn ảnh: AdAge)
Tiềm năng kết nối quốc tế của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội là một sân chơi chung rộng lớn, quy tụ được rất nhiều tài năng và nguồn lực sáng tạo. Trải rộng trên khắp thành phố và hiện diện mạnh mẽ ở các không gian công cộng, Lễ hội khoác lên khung cảnh Thủ đô Hà Nội một tấm áo dạ hội mới mẻ, rực rỡ và hiện đại được đan dệt từ các triển lãm nghệ thuật, các công trình pavilion kiến trúc, các buổi biểu diễn, các trò chuyện và hội thảo, các hội chợ trưng bày triển lãm giới thiệu sản phẩm do các nhà sáng tạo của thành phố mang tới. Nhìn về cục diện, đây là một “đại triển lãm trưng bày” các sản phẩm sáng tạo mới nhất và độc đáo duy nhất một lần trong năm. Nếu lễ hội được truyền thông bài bản và có hệ thống, hướng ra ngoài biên giới Việt Nam, chắc chắn sẽ góp phần thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và đối tác quốc tế.
Năm nay, với chủ đề “Giao lộ sáng tạo”, kết nối trục “Tinh hoa di sản” (phố Lý Thái Tổ - Lê Thánh Tông) và trục “Kinh tế sáng tạo” (dốc Bác Cổ - phố Tràng Tiền) giúp tạo ra một không gian sáng tạo rộng lớn, thu hút khách du lịch cũng như người dân thủ đô.
Các hoạt động trưng bày được giới thiệu tại Nhà Triển lãm (số 45 Tràng Tiền), Phòng triển lãm (số 61-63 Tràng Tiền); các hoạt động tại Rạp Công nhân như Kịch nói, nghệ thuật trình diễn dân gian, hoạt động hội chợ giới thiệu các sản phẩm sáng tạo; Các hoạt động đường phố như: biểu diễn xiếc, nghệ thuật, trình diễn thời trang, hoạt động cộng đồng… trên tuyến phố Tràng Tiền và các hoạt động trên tuyến phố lân cận như Nguyễn Xí, Đinh Lễ; Các không gian triển lãm, các cơ quan ngoại giao, doanh nghiệp, các đơn vị kinh doanh trên tuyến Lễ hội chính là những yếu tố cộng hưởng nhằm thu hút du khách quốc tế tham gia lễ hội.
Hàng loạt sự kiện quanh đại triển lãm “Cung Thiếu nhi Hà Nội: Hoài niệm cho tương lai” do nhóm giám tuyển Vân Đỗ, Lê Thuận Uyên, Phạm Minh Hiếu; với sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ, đội nhóm trong và ngoài nước; sự đồng hành của Ban giám đốc và các khoa Cung Thiếu Nhi Hà Nội, Viện Phim Việt Nam, ĐSQ Cộng hòa Séc tại Việt Nam, Trung tâm lưu trữ phim Quốc gia Cộng hòa Séc, Nguyễn Art Foundation, XMArchitect, Studio Cohe, Hanoi DOCLAB, DomDom - Trung tâm Âm nhạc & Nghệ thuật Thể nghiệm, ba-bau AIR, Trung tâm Nghệ thuật Hoa Tâm, Kinergie Studio, Xưởng Ga Mộc, Museum Technik, Mơ Art Space; sự hỗ trợ của SOVICO - UNESCO, Viện Goethe Hà Nội, Bộ sưu tập Dogma, Gỗ Minh Long, Reckli Việt Nam, PlasticPeople, Fawookidi, Á Space, Trung tâm nghệ thuật The Outpost, Studio Phạm Minh Hiếu, và hàng trăm đơn vị, cá nhân… sẽ mở ra các cơ hội kết nối và phát triển mạnh mẽ.
Gần 50 hoạt động tại “Cung Thiếu nhi Hà Nội: Hoài niệm cho tương lai” quy tụ nhiều nghệ sĩ, các đơn vị văn hóa và không gian sáng tạo cùng kết nối, hợp tác tổ chức
Một số các đối tác nước ngoài đã và đang tích cực tham gia Lễ hội, như Talkshow Chiếu phim và thảo luận The Last Repair Shop do Đại sứ quán Hoa Kỳ thực hiện cùng trường Nghệ thuật Điện ảnh, Đại học Nam California thực hiện nhằm giới thiệu điện ảnh Hoa Kỳ cũng sẽ mang tới những cơ hội trao đổi. Sự kiện Cuộc viễn du tới thế giới Cảm Hứng: Chiếu phim hoạt hình Tiệp Khắc do nhà làm phim và cây viết nghệ thuật Đỗ Văn Hoàng tuyển chọn cùng sự hỗ trợ từ giám tuyển Vân Đỗ, Trung tâm lưu trữ phim quốc gia Cộng hoà Séc (Czech Film Archive), Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Hà Nội đã giới thiệu đến khán giả Việt Nam di sản hoạt hình Tiệp Khắc trong thời kỳ “Kỷ nguyên vàng” (1950-1980), đồng thời kỷ niệm tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Tiệp Khắc giai đoạn tái thiết đất nước.
Sự kiện “Cuộc viễn du tới thế giới Cảm Hứng: Chiếu phim hoạt hình Tiệp Khắc” quy tụ đa dạng không chỉ thành phần tổ chức và còn thu hút nhiều thành phần khán giả, từ em nhỏ đến các bạn trẻ
Dự án Thổ Địa là tác phẩm sân khấu hợp tác quốc tế sẽ được trình diễn lần đầu tiên ở Việt Nam tại Rạp Khăn Quàng đỏ, Cung Thiếu nhi Hà Nội trong Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024. Lấy cảm hứng từ những loại hình múa rối truyền thống như rối tay/budaixi (Đài Loan), rối bunraku (Nhật Bản), rối bóng (Trung Quốc), các nghệ sỹ của Tồ Lô thử nghiệm tạo ra những biểu đạt mới trong ngôn ngữ rối và sân khấu vật thể (Object theatre). Hội thảo quốc tế Giám tuyển tương lai: Bước chuyển mình của bảo tàng tại Việt Nam được thiết kế bởi Ban Văn hóa – Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và Phó giáo sư Jane Gavan từ Đại học Sydney. Với sự tham gia của các bên liên quan trong cả khu vực công và tư, trong và ngoài nước, hội thảo sẽ mang đến những thảo luận, trao đổi đa dạng và toàn diện về quỹ đạo phát triển của các hoạt động giám tuyển bền vững tại Việt Nam và trên toàn cầu.
Dự đoán rằng những hoạt động trao đổi quốc tế như vậy sẽ ngày càng được mở rộng trong những mùa Lễ hội tiếp theo, góp phần chia sẻ giá trị và “thương hiệu” của thành phố, giúp đem đến thêm nhiều cơ hội hợp tác và đầu tư quốc tế ở cả chiều rộng và chiều sâu.
Để gia tăng hơn nữa đầu tư sáng tạo xuyên biên giới qua lễ hội
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 là một sân chơi và cơ hội tuyệt vời để các nhà sáng tạo từ nhiều lĩnh vực, nhiều quốc gia khác nhau gặp gỡ, giao lưu và thu hút đầu tư.
Để tận dụng tối đa cơ hội này, Hà Nội cần chủ động có thêm những hành động tích cực nhằm xây dựng một môi trường sáng tạo thuận lợi và tạo điều kiện cho các nhà sáng tạo trong nước giao lưu và hợp tác với bạn bè quốc tế, cũng như chủ động mời gọi các nhà sáng tạo thế giới đến giao lưu, cọ xát ở Hà Nội.
Trước hết, Lễ hội cần đẩy mạnh truyền thông ở tầm quốc tế trong một thời gian dài. Hiện tại Các nỗ lực tập trung truyền thông trong nước, nỗ lực xây dựng chiến lược truyền thông với hệ thống 300 sản phẩm truyền thông với mục tiêu góp phần cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức, khuyến khích sự quan tâm của nhân dân về sức sống của cộng đồng sáng tạo, kinh tế sáng tạo "từ vốn di sản, văn hóa” thúc đẩy suy nghĩ, thực hành đổi mới sáng tạo,... là chưa đủ nếu như muốn vươn ra xây dựng thương hiệu quốc tế. Chia sẻ các thông tin cho các cơ quan báo chí nước ngoài, các cơ quan ngoại giao và tổ chức quốc tế, gia tăng các phương thức và kênh tiếp cận, tổ chức các hoạt động kết nối và các chuyến tham quan hợp tác xuyên quốc gia là điều cần thiết.
Đoàn các phu nhân đại sứ và đại diện tổ chức quốc tế với chuyến trải nghiệm tour di sản tại Lễ hội 2024 là minh chứng và cơ hội lớn thúc đẩy quảng bá văn hóa, sáng tạo của Việt Nam ra quốc tế
Bên cạnh đó, Hà Nội có thể tiên phong tạo liên kết giữa các Lễ hội tương tự ở các thành phố khác trên thế giới, tạo thành một Mạng lưới thông tin và hợp tác. Hà Nội cũng thể chủ động tìm kiếm và mời các tài năng trẻ, các nhà thiết kế, nhà sáng tạo trẻ, các dự án nổi bật từ quốc tế và khu vực cùng tham gia Lễ hội để gia tăng tính cộng hưởng và làm nổi bật quy mô ảnh hưởng và bản sắc của Hà Nội, giúp thu hút đông đảo khách du lịch và khách nội địa đến với Lễ hội, và dĩ nhiên sẽ thu hút thêm những nhà đầu tư, các chuyên gia và người làm trong lĩnh vực sáng tạo trong nước và quốc tế đến với Lễ hội
Với tiềm năng của Hà Nội, có thể coi Lễ hội Thiết kế Sáng tạo như là một trường học lớn, một dịp để tổ chức các khóa master-class, các khóa đào tạo ngắn về các kỹ năng và công nghệ cũng như sáng tạo mới nhất với kiến thức hết sức cập nhật từ trên thế giới…
Lần đầu tiên Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 giới thiệu “Tour Sáng tạo”, kết hợp với các đơn vị lữ hành khuyến khích nhân dân đến gần hơn với các công trình di sản tinh hoa
Ngoài ra, kết hợp với các đơn vị du lịch lữ hành, tổ chức các tour tham quan tìm hiểu về văn hóa di sản Việt Nam cho bạn bè quốc tế đến với Lễ hội hàng năm vào tháng 11 là một sáng kiến giúp thúc đẩy phát triển kinh tế sáng tạo hơn nữa. Các đơn vị lữ hành tham gia hình thành các tour du lịch văn hoá và du lịch sáng tạo kết hợp trong các hoạt động của Lễ hội nhằm đưa khách tham quan đến gần hơn với di sản, giới thiệu về giá trị văn hoá, lịch sử, kiến trúc trong tuyến Lễ hội có kết hợp với thưởng thức nghệ thuật truyền thống và các hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội, đồng thời kết hợp với các chương trình tour và các điểm đến đặc sắc khác vốn là đặc sản và thế mạnh của ngành du lịch Việt Nam.
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 không chỉ là một sự kiện văn hóa đơn thuần, mà là một bước khởi đầu, là cầu nối quan trọng để Việt Nam thúc đẩy hợp tác sáng tạo với các quốc gia khác, tìm kiếm cơ hội và khai phá tối đa tiềm năng phát triển của nguồn lực sáng tạo dồi dào ở thủ đô. Bằng việc đồng thời hướng ra ngoài biên giới và thu hút các tài năng trong nước, lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội sẽ tạo ra những cơ hội hết sức mới mẻ để phát triển kinh tế xã hội, nâng cao vị thế quốc gia theo hướng sáng tạo, hài hòa, bền vững./