Tin tức & Bài viết

Động lực tái thiết đô thị từ Lễ hội Thiết kế sáng tạo

Đăng ngày
15/11/2024

Tái thiết đô thị - Đừng mở ra, rồi lại… đóng vào

Tái thiết đô thị là gìn giữ hồn cốt của giá trị cũ, mà vẫn đáp ứng được những nhu cầu của cuộc sống hiện đại. Không những thế, khi đưa vào yếu tố sáng tạo, nó còn đem đến bản sắc mới, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hoá cho đô thị. Lễ hội Thiết kế Sáng tạo gợi mở những giải pháp mới để phát huy di sản công nghiệp, di sản đô thị như những công trình kiến trúc, vườn hoa... Song, những gợi ý này sẽ đi về đâu là điều không dễ trả lời.

Cứ mong Tháp nước Hàng Đậu sẽ mở cửa mãi…

Các không gian của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2024 thật sự “bùng nổ”, với không khí tấp nập ở Cung Thiếu nhi, dòng người đổ đến Nhà khách Chính phủ gợi lại hình ảnh các đây một năm, khi dòng người xếp hàng dài để đến với Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2023. Riêng Tháp nước Hàng Đậu, với trưng bày “Sắp đặt nước và di sản Tháp nước Hàng Đậu”, nhiều người còn trách móc Ban Tổ chức vì… khống chế thời gian trải nghiệm. Ngay cả khi chưa có trưng bày nghệ thuật, bên trong Tháp nước có gì? Cấu tạo nó như thế nào? là điều ai cũng tò mò. Và trưng bày “Sắp đặt nước và di sản Tháp nước Hàng Đậu” không chỉ đem đến cho công chúng lời giải đáp mà còn nhiều trải nghiệm thú vị hơn thế.

Từng có hàng dài những người xếp hàng tham quan di tích Tháp nước Hàng Đậu mở cửa lần đầu tiên sau cả 100 năm trong dịp Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023

Người ta phải xếp hàng khá lâu mới đến lượt được vào Tháp nước. Phó Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội) Bùi Thị Hương Thuỷ, thành viên Ban Tổ chức Lễ hội nhớ lại: “Trong những ngày mở cửa đón khách, các bạn tình nguyện viên phải làm việc cật lực để phục vụ khách đến tham quan. Có những lúc không có cả thời gian để ăn trưa nhưng ai cũng vui khi thấy từ người cao tuổi đến các bạn nhỏ đều vô cùng hào hứng”.

Sau hàng trăm năm đóng cửa im ỉm, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2023 với chủ đề Dòng chảy đã đánh thức Tháp nước Hàng Đậu nói riêng, đánh thức nhận thức của cộng đồng với di sản công nghiệp nói chung, như trường hợp Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Thay vì tư duy đập đi xây mới, người ta đã hiểu giá trị của những di sản công nghiệp trong đời sống hiện đại. Ngay cả những phân xưởng, những đầu máy, toa xe cũ kỹ của Nhà máy Xe lửa Gia Lâm cũng thu hút công chúng bởi sự mới lạ, độc đáo khi trở thành không gian cho các hoạt động nghệ thuật như trưng bày, trình diễn…

Đó chính là gợi ý không thể tốt hơn để biến những di sản công nghiệp mà thành phố đang sở hữu trở thành không gian văn hoá – sáng tạo. Thay vì nhìn nhận chúng như những chứng tích cho sự lỗi thời, người ta nhìn thấy ở đó tiềm năng để kiến tạo những giá trị mới, kế thừa lịch sử của thành phố.

Nhiều người nuối tiếc khi Tháp nước Hàng Đậu lại im lìm đóng cửa. Người ta cứ tưởng và cứ mong nó sẽ mở cửa mãi để trở thành không gian cho cộng đồng. Và đó chính là điều mà Lễ hội đem đến. Một nhận thức mới về tái thiết di sản công nghiệp trong tổng thể tái thiết đô thị.

Công năng mới cho kiến trúc cũ

Vườn hoa không chỉ là vườn hoa, bảo tàng không chỉ là bảo tàng, giảng đường không chỉ là giảng đường… Đó là những điều Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 đem đến công chúng.

Chiếm phần lớn không gian ngoài trời của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam (trước đây là Bảo tàng Louis Finot thuộc Viện Viễn Đông Bác cổ, một trong những công trình tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Đông Dương ở Việt Nam) là Pavilion “Rồng rắn lên mây”. Không gian này vốn thuộc về các bia đá, tượng cổ…, cùng với kiến trúc Đông – Tây của Bảo tàng tạo nên một vẻ cổ kính. Pavilion Rồng Rắn thoạt nhìn trông rất hiện đại, với bề mặt sáng bóng, nhưng chính bề mặt sáng bóng ấy lại phản chiếu sự cổ kính. Đường nét uống lượn khiến người ta liên tưởng đến trò chơi dân gian rồng rắn lên mây. Kết quả là công trình trở thành một phần cảnh quan bảo tàng, không tranh chấp với kiến trúc chính mà tạo ra nơi chốn để thu hút mọi người đến ngắm nhìn công trình di sản này.

Pavilion và sắp đặt “bảo tàng mini” mang lại sắc thái mới cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, khi giờ du khách đến đây không chỉ tìm hiểu lịch sử mà còn để chiêm ngưỡng nghệ thuật sáng tạo

Xen kẽ trong không gian “Rồng Rắn lên mây” là các tác phẩm sắp đặt  trưng bày các mô hình công trình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở các tỷ lệ khác nhau từ 1:20000 tới 1:75 và bằng các chất liệu khác nhau. Người tham gia có thể nhìn ngắm và khám phá dáng vẻ của công trình từ nhiều góc độ để hiểu biết hơn về lịch sử và phong cách kiến trúc của Bảo tàng. Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng trở thành nơi trình diễn thời gian, những cuộc toạ đàm hướng tới kết nối di sản với đời sống đương đại.

Trong khi đó, toà nhà Đại học Tổng hợp thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội (trước đây là Đại học Đông Dương, Đại học Tổng hợp cũ) trở thành không gian trưng bày 22 tác phẩm nghệ thuật trong một đại triển làm mang tên “Cảm thức Đông Dương”. Những giảng đường, hành lang đều trở thành không gian nghệ thuật, nơi các nghệ sĩ vừa thể hiện cái tôi sáng tạo của mình, đồng thời, tôn vinh nét đẹp của công trình kiến trúc Đông Dương đầu tiên tại Hà Nội này.

Những mái vòm hay hành lang của tòa nhà Đại học Tổng hợp khi được kết hợp với các tác phẩm và mở cửa tham quan đã trở thành điểm hút khách với hàng dài người xếp hàng dịp Lễ hội

Tương tự, những vườn hoa lâu nay chỉ đóng vai trò là những không gian xanh – lá phổi cho đô thị, nơi những người dân đi bộ, đi dạo, nghỉ ngơi sáng sáng chiều chiều. Những Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội được tổ chức trong những năm qua khiến người dân làm quen với công năng mới cho vườn hoa. Đó là nơi diễn ra những hoạt động nghệ thuật, hoạt động sáng tạo, có những triển lãm “đem nghệ thuật xuống đường” để cộng đồng tiếp cận; nơi có những Pavillion nổi bật…

Những vườn hoa trên tuyến “Giao lộ sáng tạo” của Lễ hội 2024 từ nơi dạo bộ, tập thể dục đã trở thành nơi thực hành sáng tạo của người dân ở nhiều lứa tuổi khác nhau

Từ chỗ xa lạ với những Pavillion, công chúng bắt đầu làm quen dần. Đó là Pavillion Không gian truyền thống tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo năm 2022; hay Pavillion Dòng tại vườn hoa Diên Hồng, Nhà khách Chính phủ năm nay. Công viên không còn là nơi đi bộ nữa, mà trở thành không gian của văn hoá, sáng tạo.

Cung Thiếu nhi đến Cung Sáng tạo?

Hà Nội đã có một Cung Thiếu nhi mới, hiện đại hơn, quy mô hơn ở một địa điểm mới. Tất nhiên, nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Cung Thiếu nhi cũ (số 36-38 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm) sẽ ra sao? Đó là một câu hỏi rất thú vị, nếu đặt trong dòng chảy phát triển của Thành phố Sáng tạo.

Cung Thiếu nhi là “ngôi nhà nghệ thuật” của bao thế hệ trẻ em Hà Nội trong suốt mấy chục năm qua. Đó là cái nôi đào tạo nhiều loại hình nghệ thuật, thể thao, gắn bó với ký ức nhiều thế hệ Hà Nội.

41 hoạt động tại Cung Thiếu nhi trong Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 hướng tới sự kế thừa, gắn kết giữa quá khứ và tương lai của Cung Thiếu nhi. Trong đó, gợi mở những hướng phát triển tiếp theo trong tương lai. Những hoạt động của Lễ hội tại đây nhấn mạnh đến hoạt động chơi, sáng tạo cho cộng đồng. Đặc biệt là trẻ em. Nổi bật nhất là việc các em có thể tham gia sắp xếp các mẫu tự của cố nghệ sĩ Điềm Phùng Thị thành cả thế giới mình có thể tưởng tượng ra. Các em cũng thoả sức sáng tạo trong một cuộc thi vẽ trực tiếp ngay trên sân của Cung… Với hoạt động âm nhạc, ngay từ cái tên “Trạm Chơi - Những thanh âm ngẫu hứng”, “sự chơi” của trẻ cũng đặt trọng tâm. Nhưng ở đây là chơi trong sáng tạo, với các nhạc cụ được làm từ vật liệu tái chế như vỏ chai, hộp, ống nhựa, gỗ đã qua sử dụng. Những nhạc cụ kỳ lạ nhưng lại vô cùng gần gũi, thân thiện này tạo điều kiện cho người tham gia cùng được tương tác và tạo ra những âm thanh độc đáo, góp phần làm phong phú thêm trải nghiệm âm nhạc.

Rất nhiều hoạt động tương tác, chiếu phim, hội thảo, trưng bày, triển lãm nghệ thuật mà nhiều khán giả đa lứa tuổi có thể cùng tham gia ở Cung Thiếu nhi - nơi trở thành “Cung sáng tạo cho cả gia đình”

Cung Thiếu nhi cũ vốn là nơi đào tạo, bồi dưỡng những mầm non nghệ thuật. Khi đã có Cung Thiếu nhi mới, liệu Cung Thiếu nhi cũ sẽ có sự chuyển hướng? Liệu đó có thể trở thành một Cung Sáng tạo cho thiếu nhi hay không? Đó cũng là một gợi ý đặt ra trong quá trình tái thiết Cung, trong một khuôn khổ lớn hơn – tái thiết đô thị.

Đừng mở ra rồi… đóng vào

Tròn một năm sau Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, vẫn rất nhiều người băn khoăn: Liệu Tháp nước Hàng Đậu có mở cửa trở lại không? Cung Thiếu nhi Hà Nội ở 36 Lý Thái Tổ liệu sẽ được tái thiết hay sẽ chuyển đổi công năng sử dụng thế nào? Rất khó để tìm được cơ quan đứng ra trả lời cho câu hỏi này.

Những hành lang, lớp học ở Cung tới đây sẽ được tiếp tục là nơi đào tạo năng khiếu cho thiếu nhi hay trở thành không gian phát triển nghệ thuật sáng tạo cho nhiều thế hệ nhân dân Thủ đô?

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội đã và đang đem đến những gợi ý thú vị và thiết thực cho tái thiết đô thị. Với sự quan tâm, tham quan của nhân dân tại các điểm di tích, di sản trong khuôn khổ Lễ hội, phần nào thấy được sự đón nhận và ủng hộ của nhân dân. Tuy nhiên, để những công trình di sản văn hóa, di sản công nghiệp của thành phố có thực sự được “đánh thức” hay đến gần hơn với công chúng, gắn với đời sống nhân dân vẫn còn cần chờ đợi những sự tái thiết trên thực tế, thay vì những dấu chấm lửng…