Đoàn phu nhân các cơ quan ngoại giao trải nghiệm tour di sản tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024
Chiều ngày 12/11/2024, đoàn các phu nhân đại sứ và trưởng đại diện tổ chức quốc tế tại Hà Nội đã có chuyến tham quan tour di sản đặc biệt, trải nghiệm Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024. Đoàn đã ghé thăm và tìm hiểu các công trình di sản, văn hóa sáng tạo của Hà Nội theo lộ trình trải nghiệm đặc biệt qua ba địa điểm trên “Giao lộ sáng tạo” của Lễ hội, tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, cụm địa điểm Nhà khách Chính phủ - Vườn hoa Diên Hồng và tòa nhà Đại học Tổng hợp - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đoàn tham quan đặc biệt lần này có sự tham gia của Phu nhân Đại sứ Canada, Phu nhân Đại sứ Isarael, Phu nhân Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ, Phu nhân Đại sứ Đan Mạch và Phu nhân Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội. Với lịch trình 90 phút, đoàn đã tham quan và trải nghiệm tour di sản sáng tạo tại đại triển lãm "Cung Thiếu nhi Hà Nội – Hoài niệm cho tương lai", Pavilion “Dòng” và Tổ hợp triển lãm sắp đặt “Cảm thức Đông Dương”.
Chuyến tham quan được lên kế hoạch sau khi phu nhân Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tham dự lễ khai mạc Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, đã yêu thích các hoạt động của Lễ hội cũng như mong muốn tìm hiểu thêm về các công trình di sản, di tích của Hà Nội và nét đẹp văn hóa, sáng tạo nghệ thuật của thành phố.
Tham quan di sản theo lộ trình sáng tạo chưa từng có
Tại điểm khởi đầu ở đại triển lãm “Cung Thiếu nhi – Hoài niệm cho tương lai”, giám tuyển Phạm Minh Hiếu đã dẫn đoàn tham quan các khu vực của Cung. Đồng thời các phu nhân cũng được tham gia “Tour Giám tuyển” với trải nghiệm sáng tạo nghệ thuật mới lạ, vừa tham quan vừa được giám tuyển Phạm Minh Hiếu giới thiệu về loạt hoạt động triển lãm, trưng bày và hướng dẫn cách tương tác sáng tạo với các tác phẩm tại nơi đây.
Tại điểm thứ hai trong tour di sản, các phu nhân và đoàn được KTS. Nguyễn Hồng Quang giới thiệu trải nghiệm Pavilion “Dòng”, lần lượt từ bức graffitti lớn ở vườn hoa Diên Hồng (hay còn được biết đến với tên Vườn hoa Con Cóc) mô tả lại bức tranh nổi tiếng vẽ cảnh nhân dân và tự vệ chiến đấu bảo vệ Hà Nội tiến đến chiếm Phủ Khâm sai (Bắc Bộ Phủ) năm 1945. Tiếp đó, các phu nhân đã cùng check in tại chiếc ban công “Nàng Thơ” – điểm chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đường phố trong nắng chiều thu Hà Nội vô cùng lý tưởng cũng như ngắm nhìn bao quát vẻ đẹp kiến trúc của Nhà khách Chính phủ. Và tại sắp đặt “Điểm chạm” ở hàng rào bên ngoài Bắc Bộ Phủ - nơi vẫn còn lưu dấu những “vết đạn” có tuổi đời 80 năm ít người biết đến – các phu nhân cũng được giới thiệu thêm ý nghĩa nghệ thuật sáng tạo dựa trên những câu chuyện lịch sử ở công trình di sản này.
Điểm cuối cùng trong hành trình, tại Tổ hợp triển lãm sắp đặt “Cảm thức Đông Dương” tại tòa nhà Đại học Tổng hợp – 19 Lê Thánh Tông, đoàn cũng đã được giám tuyển Nguyễn Thế Sơn trực tiếp hướng dẫn tham quan một trong những “điểm hút khách” nhất tại Lễ hội năm nay. Trong không gian mang đậm nét kiến trúc và cảm thức Đông Dương, các phu nhân như bị cuốn vào một hành trình mới mẻ và say sưa, lắng nghe những điểm đặc sắc nhất tại “đại triển lãm” này qua những giới thiệu của giám tuyển Nguyễn Thế Sơn cũng như cuộc trò chuyện với nhiều nhà sáng tạo, nghệ sĩ ở đây.
Mong muốn khám phá văn hóa và di sản của Hà Nội như một trải nghiệm tự nhiên
Trong suốt chuyến đi kéo dài một tiếng rưỡi và liên tục di chuyển, những vị khách đặc biệt không hề tỏ ra mệt mỏi mà dường như đắm chìm vào trong các không gian. Ở bất kỳ nơi đâu, các phu nhân đều thích thú, chăm chú quan sát; đặt các câu hỏi với người hướng dẫn về về các công trình, về sự gắn bó văn hóa của những nơi này với thành phố; về những ý nghĩa sáng tạo đằng sau. Thậm chí, các phu nhân còn chú ý các chi tiết không ngờ tới, như chạm lên những “vết đạn” ở hàng rào Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ Phủ), so sánh những vệt bong do thời tiết trên tường của Cung Thiếu nhi giống như họa tiết được “vẽ” bởi tự nhiên hay như một vết tích nhuốm màu thời gian của những công trình lâu đời này.
Khi gần kết lại chuyến đi, các phu nhân cũng chia sẻ, thông qua tour di sản sáng tạo tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội lần này, họ muốn chủ động tham quan, tìm hiểu thành phố này như một trải nghiệm khám phá một cách tự nhiên, không bởi một nhiệm vụ học tập, hay vai trò ngoại giao lớn lao nào. Mà, chỉ đơn giản như những người bạn nước ngoài yêu mến và mong muốn hiểu hơn về di sản, các công trình di tích của Hà Nội, về đời sống văn hóa của người dân ở thành phố này.
Khép lại tour di sản đặc biệt, những vị phu nhân và cả những nghệ sĩ, kiến trúc sư, những nhà sáng tạo của Lễ hội đều có những trải nghiệm và khoảng thời gian thú vị, tích cực và ý nghĩa. Điều này không chỉ khẳng định cho sức hút của các công trình di sản, các hoạt động trong khuôn khổ của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, mà còn là sự tự hào của những người tổ chức Lễ hội khi lan tỏa được những câu chuyện và vẻ đẹp của di sản, của nghệ thuật - kiến trúc, của sức mạnh sáng tạo Việt giới thiệu cho bạn bè, quan khách quốc tế và khiến họ thêm yêu mến văn hóa, đất nước Việt Nam.