Người Hà Nội có nhu cầu rất lớn về những “món ăn” tinh thần. Một sự kiện văn hoá, với những mô hình về các di sản của Hà Nội được dựng lên, lập tức có thể thu hút hàng chục nghìn người. Dân số 10 triệu người, cộng với mỗi năm có gần 30 triệu lượt khách du lịch là thị trường khổng lồ với các nhà đầu tư, với những bạn trẻ có tham vọng khởi nghiệp du lịch văn hóa - một trong những lĩnh vực đầy tiềm năng của ngành công nghiệp văn hoá.
Dù chưa hình thành những tập đoàn kinh tế lớn, chưa hình thành những thương hiệu mạnh, nhưng chưa bao giờ các ngành công nghiệp văn hoá nở rộ như hiện tại, thu hút một lượng lớn các nhà sáng tạo, nghệ sĩ, nghệ nhân, kiến trúc sư, nhà quản trị, nhà truyền thông… Hàng loạt mô hình làm ăn mà trước đây không ai tưởng tượng nổi đã ra đời.
Nếu đi trên các con phố cổ và để ý một chút, người ta sẽ ngạc nhiên cách một quãng ngắn, lại bắt gặp một cửa hàng của thương hiệu Tired City. Ví như từ cửa hàng trên phố Hàng Trống, đi bộ vài bước chân đã đến một cửa hàng khác trên phố Nhà Thờ, cách đó chỉ vài bước chân là một Tired City phố Hàng Hành. Điều đó cho thấy Tired City đang trên đà phát triển mạnh.
Lùi thời gian 10 năm trước, cái tên Tired City còn chưa xuất hiện trên bản đồ thời trang. Mãi năm 2016, Tired City mới ra đời. Những dòng sản phẩm chủ lực của Tired City là áo phông, áo nỉ, túi xách, khăn và một số sản phẩm lưu niệm khác. Điểm không lẫn vào đâu của Tired City không phải là thiết kế kiểu dáng, mà là những hình ảnh trên sản phẩm. Tired City có cách tiếp cận thông minh và bài bản, đánh trúng tâm lý khách du lịch, đó là khai thác thẩm mỹ truyền thống từ văn hóa dân gian qua sự sáng tạo của các nghệ sĩ trẻ, thêm một chút hài hước trong các mẫu thiết kế và đặt các mẫu này trên các sản phẩm lưu niệm có tính tiện dụng cao như áo thun, thiệp, tranh, túi vải... Bây giờ, Tired City đã vươn sự phát triển tới tận Hội An (tỉnh Quảng Nam) và còn xa hơn nữa.
Có những người gọi Tired City là “điển hình công nghiệp văn hoá” của thế hệ trẻ. Có lẽ, còn quá sớm, nhưng không thể phủ nhận, thương hiệu này không phát triển theo cấp số cộng, mà là số nhân.
Hà Nội là đô thị nén, đất chật, người đông. Nhưng từ góc độ của các nhà đầu tư, của những người khởi nghiệp, đó là cơ hội không thể tốt hơn. Mười triệu dân tạo ra những tệp khách hàng khổng lồ trong lĩnh vực văn hoá, giải trí. Con số ấy còn được nhân lên khi mỗi năm thành phố đón gần 30 triệu khách du lịch (năm 2019, thời điểm trước đại dịch Covid-19, Hà Nội đón 29 triệu lượt khách, dự kiến năm nay sẽ đón lượng khách tương đương). Chỉ một sự kiện văn hoá bên hồ Hoàn Kiếm, với một số mô hình di sản kiến trúc dựng lên, dịp cuối tuần đã thu hút đến vài chục nghìn người. Nhu cầu về “món ăn” tinh thần của thị trường này là rất lớn.
Lượng khách hàng lớn khiến ngay cả những lĩnh vực ngách và “xương xẩu”- khó khai thác cũng có cơ hội trở thành sản phẩm ăn khách. Một thời, hầu như ai cũng nghe các nghệ nhân các loại hình nghệ thuật trình diễn như: Hát xẩm, hát chèo… “ôn nghèo, kể khổ” về nguy cơ mai một, nghệ nhân gặp khó khăn, không có đất diễn. Nhưng Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản phi vật thể Việt Nam (VICH), đang góp phần làm “gió đảo chiều”. Nhiều khán giả sẵn sàng bỏ một khoản tiền không nhỏ để được trải nghiệm nghệ thuật truyền thống cùng VICH.
Khán giả trẻ hào hứng trong những buổi diễn “Xẩm trong phố” thuộc dự án “Di sản trong lòng phố” (Ảnh: Nhân dân)
VICH dám làm, vì họ nhận thấy tiềm năng. Giám đốc VICH Nguyễn Lệ Quyên cho biết: “Từ cuối năm 2023, VICH triển khai dự án ‘Di sản trong lòng phố’, lấy nghệ thuật hát xẩm làm trọng tâm. Đều đặn vào chủ nhật hàng tuần, chương trình hát xẩm được tổ chức để khán giả trong và ngoài nước có cơ hội thưởng thức”. Mới đây, VICH lại cho ra đời chương trình Giáo dục di sản đầu tiên cho lĩnh vực nghệ thuật truyền thống Việt Nam với chủ đề “Giáo dục di sản nghệ thuật Chèo” tại Nhà hát Chèo Việt Nam. Mặc dù chương trình hướng đến những khán giả từ 7 đến 15 tuổi, nhưng thực tế, khán giả lớn tuổi cũng bị “cuốn” vào những hoạt động trải nghiệm, khám phá, giải mã trong chương trình mà VICH cùng các nghệ sĩ xây dựng.
Nhiều người nghĩ chỉ có phố xá mới là nơi các hoạt động công nghiệp văn hoá có điều kiện phát triển. Nhưng ở làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội), Đoài Creative “kể” một câu chuyện khác. Chủ nhân của Đoài Creative là anh Khuất Văn Thắng. “Nét đẹp làng quê nói chung, làng cổ Đường Lâm nói riêng là một lợi thế để thu hút khách đến trải nghiệm. Bởi vậy tôi đã cải tạo một ngôi nhà cũ thành không gian văn hoá”. Khuất Văn Thắng khai thác những vật liệu cũ còn tận dụng được, sử dụng vật liệu thân thiện, gần gũi của Đường Lâm và sắp đặt, tổ chức lại cho đúng công năng hoạt động. Đến với Đoài Creative, người ta có nhiều lựa chọn sáng tác mỹ thuật.
Điều độc đáo nhất là không gian này khuyến khích mọi người sáng tác dựa trên vật liệu và chính những trải nghiệm thu được khi tham quan ngôi làng cổ. Kiến trúc sư Khuất Văn Thắng đã thu gom những viên ngói cũ khi người ta sửa nhà và bỏ đi, cùng với đó là những viên gạch cũ, những cánh cửa cũ. Người ta có thể vẽ, hay nặn đất rồi gắn trên đó. Khi tác phẩm hoàn thành, khách có thể mang tác phẩm của mình đi. Lựa chọn độc đáo này khiến khách du lịch thích thú, vì họ đem theo được “chất quê” của nông thôn Việt bên mình. Đoài Creative còn nhiều hoạt động trình diễn nghệ thuật, workshop và phát triển sáng tạo khác.
Không gian văn hóa sáng tạo cải tạo từ gian nhà cũ ở làng cổ Đường Lâm của Đoài Creative thu hút người tham gia ở nhiều lứa tuổi
Nhiều người nghĩ khu vực nông thôn chỉ có thể gia nhập chuỗi kinh tế công nghiệp văn hoá thông qua những nghề thủ công truyền thống. Thực tế, cơ hội luôn rộng mở nếu người ta biết khai thác. Làng rối nước Đào Thục (xã Thuỵ Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) hiện nay luôn dày đặc các tour biểu diễn trong tuần. Những người dân trước kia mỗi năm chỉ diễn vài buổi thì nay họ phải xếp lịch, vừa biểu diễn phục vụ khách tại chỗ, vừa lưu diễn khi có đặt hàng.
Trước Tired City hàng chục năm, việc đưa những hình ảnh của văn hoá, cuộc sống Hà Nội lên thời trang đã được thực hiện. Nhưng mức độ thành công đều hạn chế. Vẫn những di sản Hà Nội, những câu chuyện Hà Nội như thế, Tired City đã biết “biến hoá” và cập nhật chúng qua góc nhìn nghệ thuật của người trẻ tuổi, đáp ứng đúng nhu cầu của khách du lịch. Tired City đã cộng tác với hơn 300 nghệ sĩ, gần 1.000 artwork và dung dưỡng một cộng đồng sáng tạo gần 100.000 người. Tired City kết hợp với nhiều bên tổ chức các cuộc thi sáng tạo nghệ thuật. Các tác giả đều được trả tiền bản quyền khi Tired City sử dụng tác phẩm trên sản phẩm của mình. Kết quả là họ có một “kho” tài nguyên vô tận luôn được làm mới, biến hoá trên các dòng sản phẩm.
Nhìn từ Tired City để thấy cơ hội phát triển kinh tế sáng tạo từ sản phẩm đậm chất văn hóa truyền thống (Ảnh: Tired City)
Với VICH, để người tiêu dùng bỏ tiền ra nghe hát xẩm, họ đã sử dụng xẩm như một tài nguyên, bằng sáng tạo của mình, biến thành sản phẩm công nghiệp văn hoá, với cách dẫn dắt câu chuyện, tương tác với khán giả và tạo cơ hội cho khán giả trải nghiệm. Mỗi buổi trải nghiệm sẽ có ba phần: Xẩm đàn, xẩm kể, xẩm ca. Trong đó, “xẩm kể” chính là những câu chuyện văn hóa, những tương tác, giao lưu với người nghe. Người ta được cung cấp phông nền về văn hoá xẩm trước khi thưởng thức. Câu chuyện gần tương tự cũng được thực hiện với dự án hát chèo.
Từ khoá của thành công trong đầu tư vào công nghiệp văn hoá, không gì khác là “sáng tạo”.
Thậm chí, có những sáng tạo mang tính liên quốc gia. Điển hình là những chiếc đèn giấy 3D của Nguyễn Duy Duy (sinh năm 1996). Khi học Thiết kế đồ họa của trường Cao đẳng nghề Công nghệ Hà Nội, Duy biết đến nghệ thuật cắt giấy kirigami của Nhật Bản. Nhưng nếu chỉ cắt giấy thì đơn giản quá. “Đã làm nghệ thuật thì cần phải có những suy nghĩ táo bạo, nên kết hợp giữa nghệ thuật cắt giấy Kirigami của Nhật Bản, nghệ thuật rối bóng của Trung Quốc và cách làm đèn đèn kéo quân Việt Nam để tạo ra dòng sản phẩm mới”, Nguyễn Duy Duy cho biết. Từ chỗ một mình ngày ngày cặm cụi với những chiếc đèn nhỏ xinh, bây giờ Duy Duy đã là chủ một xưởng sản xuất, với nhiều dự án lớn, với những sản phẩm trang trí cho nhiều công trình lớn.
Với Magics of Color (MOC), việc “phối” những bức tranh dân gian vào các chất liệu gốm, giấy dó giúp họ tạo ra những dòng sản phẩm mới: Đèn lồng, cốc, khăn, tranh… với giá trị kinh tế khá cao, đặc biệt là những bộ đèn lồng. Nhà sáng lập MOC Nguyễn Thị Hữu cho biết: “Nếu để nguyên, tranh dân gian vẫn là tranh dân gian và nó chỉ có thể tiếp cận một lượng khách hàng ít ỏi. Tuy nhiên khi khai thác và tạo ra sản phẩm mới, chúng tôi vừa tiếp cận đến những khách hàng mới, vừa lan toả giá trị văn hoá truyền thống. Đó là cả một quá trình sáng tạo cả về kỹ thuật và mỹ thuật. Đơn giản như việc chiếc đèn có lớp giấy tản nhiệt cũng phải qua nhiều lần thử nghiệm”.
Công nghiệp văn hoá gồm 12 lĩnh vực khác nhau. Riêng Hà Nội còn bổ sung thêm lĩnh vực thứ 13 - Ẩm thực. Dư địa phát triển là rất lớn. Nhưng hiện nay vẫn hiếm những doanh nghiệp lớn đầu tư vào công nghiệp văn hoá; còn những nhà phát triển nhỏ thường gặp khó khăn về mặt bằng, về tính ổn định, về bảo hộ quyền tác giả.
Nguyễn Việt Nam, nhà sáng lập Tired City cho biết: “Theo tôi, tiềm năng phát triển công nghiệp văn hoá của Hà Nội nói riêng, Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên chúng ta chưa hình thành rõ nét về chuỗi giá trị và có chưa có nhiều mô hình được cho là thành công nên chưa thu hút nhiều đầu tư”.
Bên cạnh những câu chuyện thành công, cũng không hiếm trường hợp thất bại. Trong đó, chuyện tồn tại qua khoảng thời gian 5 năm, hay 10 năm là thử thách lớn đối với những người đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá. Cần có sự chuẩn bị kỹ càng cả về kiến thức kinh doanh, năng lực sáng tạo, và tất nhiên, cần những thủ tục thông thoáng hỗ trợ.
Tháng 6/2024, kỳ hợp thứ 7, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Thủ đô. Điều 43 quy định rõ: Dự án đầu tư mới vào lĩnh vực thể thao và các ngành công nghiệp văn hóa bao gồm quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa, văn hóa ẩm thực theo danh mục chi tiết do Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định sẽ được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 10 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại; được áp dụng mức thuế suất 5% thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 04 năm và giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong 09 năm tiếp theo
Luật Thủ đô cũng cho phép hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hoá; cho phép ký hợp đồng nhượng quyền khai thác, quản lý các công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao; công trình kiến trúc có giá trị. Những quy định này mở lối cho khối tư nhân phát huy tiềm năng. Song, từ chính sách khung đến quy định cụ thể và áp dụng trên thực tế luôn có khoảng cách, những băn khoăn lúng túng, hoặc sự can đảm dám làm. Bởi thế, dư luận mong chờ những chính sách và hành động cụ thể thực sự “trải thảm” cho các nhà đầu tư mà không vướng “chiếc đinh” nào.
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội mở ra những cơ hội đầu tư, tiếp cận sản phẩm và thị hiếu trong lĩnh vực kinh tế sáng tạo
Vốn đầu tư luôn là câu hỏi lớn với những người khởi nghiệp trẻ tuổi. Nhưng với nhóm đối tượng này, “từ khoá” chủ chốt luôn là sáng tạo, là sản phẩm. Bên cạnh đó, hiện nay cũng đã xuất hiện những nhà đầu tư “tìm” sản phẩm công nghiệp văn hoá. Những mô hình quy tụ chuyên gia trong ngành và giới thiệu các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật sáng tạo có tiềm năng khai thác thương mại cũng được thành phố Hà Nội khuyến khích tổ chức, như Lễ hội Thiết kế Sáng tạo thường niên, trở thành một kênh mở, kết nối những cơ hội đầu tư kinh tế sáng tạo.
Hiện tại đã có một số ví dụ cho thấy có những nhà quan tâm đến việc đầu tư. Chẳng hạn Phường Bách Nghệ (phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội) là nơi trưng bày, giới thiệu các sản phẩm làng nghề; nơi diễn ra các hoạt động tương tác, trải nghiệm giữa nghệ nhân với công chúng; nơi tổ chức các sự kiện văn hóa... Điều đặc biệt nhất của mô hình này so với trước đây là có sự tham gia của những nhà đầu tư. Người sáng lập Phường Bách Nghệ Ngô Quý Đức chia sẻ: “Mỗi khi xây dựng một chương trình hoạt động cụ thể, các nhà đầu tư đều tham gia vào định hướng chương trình. Và sau quá trình hoạt động tương tác, nếu phù hợp các bên sẽ đi đến hợp tác để cho ra đời sản phẩm”. Hay một kiểu mô hình khác, đó là một số nhà đầu tư bất động sản bắt đầu quan tâm tạo dựng các tổ hợp/khu sáng tạo có hoạt động đa dạng, thu hút cộng đồng sáng tạo, qua đó gia tăng giá trị bất động sản trên thị trường và tạo ra nguồn thu bền vững hơn từ chính các hoạt động, dịch vụ sáng tạo./.