Tin tức & Bài viết

“Đất lành” cho những không gian sáng tạo

Đăng ngày
6/11/2024

Dù có khoảng thời gian chững lại không tránh khỏi do đại dịch Covid-19 “Bản đồ” không gian sáng tạo trên địa bàn Hà Nội vẫn liên tục ghi nhận những cái tên mới. Đó là Cộng Xưởng, Am Càkê, Phường Bách Nghệ… Con số hiện nay đã đạt đến mức 200. Lĩnh vực, phương thức hoạt động của các không gian sáng tạo cũng đa dạng hơn, từ âm nhạc, thiết kế, thủ công mỹ nghệ cho đến văn hoá truyền thống… Điều này tạo ra kỳ vọng bứt phá mới, khi Luật Thủ đô được áp dụng, với nhiều ưu đãi trong đầu tư vào công nghiệp văn hoá.

Chững lại rồi nở rộ

Hà Nội vốn là “cái nôi” của những không gian sáng tạo, với hàng trăm không gian sáng tạo, hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau. Có thể là tổ hợp như Complex 01 (phố Tây Sơn, quận Đống Đa), những không gian làm việc chung của Toong, hay các mô hình chuyên về nghệ thuật như VICAS (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam)… Hình thức phổ biến nhất là các quán cà phê kết hợp với các hoạt động văn hoá, nghệ thuật nằm rải rác khắp các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, các không gian sáng tạo từng chững lại trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Chủ sở hữu các không gian sáng tạo hầu hết là những nhà đầu tư nhỏ, xuất phát điểm của họ thường là những nghệ sĩ, nhà thiết kế, kiến trúc sư…, hay những người đam mê văn hoá. Và họ đều “tơi tả” sau hai năm dịch bệnh Covid-19 hoành hành, không những vắng khách, mà nhiều giai đoạn còn phải đóng cửa hoàn toàn.

Nhưng sau khi dịch bệnh Covid-19 kết thúc, cùng với sự hồi sinh của những không gian sáng tạo quen thuộc, những không gian sáng tạo mới liên tục ra đời. Nếu như trước đây, các không gian sáng tạo chủ yếu thường gắn với những loại hình nghệ thuật, sáng tạo mới thì bây giờ, ngày càng nhiều không gian sáng tạo khai thác giá trị văn hoá truyền thống, văn hoá bản địa đi vào hoạt động.

Những chuyên đề về nghề truyền thống tổ chức tại phường Bách Nghệ thu hút nhiều bạn trẻ trong và ngoài ngành sáng tạo (Ảnh: TTXVN)

Phường Bách Nghệ (phường Mộ Lao, quận Hà Đông) là không gian sáng tạo mới toanh vừa đi vào hoạt động được mấy tháng. Trọng tâm hoạt động của Phường Bách Nghệ là sản phẩm thủ công truyền thống. Do sự biến đổi của xã hội, nhiều làng nghề đang bị mai một. Phường Bách Nghệ mong muốn bảo tồn tinh hoa sản phẩm làng nghề. Phường Bách Nghệ tổ chức trưng bày, giới thiệu nhiều nghề truyền thống theo từng chuyên đề, trong đó tập trung vào việc trải nghiệm thực hiện sản phẩm để mọi người có thể tìm thấy sự kết nối với văn hóa Việt qua từng sản phẩm thủ công. Các bên tham gia gồm cả nhà thiết kế, nghệ nhân, nhà đầu tư…, để từ đó tìm kiếm cơ hội hợp tác, sáng tạo ra những sản phẩm không chỉ bảo tồn mà nâng tầm cho tinh hoa làng nghề. Dù mới hoạt động một thời gia, nhưng Ngô Quý Đức, người sáng lập Phường Bách Nghệ cho biết, Phường Bách Nghệ đang xúc tiến việc tìm “nhà mới”, bởi một số hoạt động trong dịp Tết Trung thu của không gian sáng tạo này rơi vào tình trạng quá tải. Điều này cho thấy Hà Nội thực sự là đất lành cho những không gian sáng tạo.

Tương đồng với Phường Bách Nghệ, Am Càkê (Lạc Long Quân, quận Tây Hồ) khai thác văn hoá truyền thống, nhưng Am Càkê chú trọng tái hiện không gian sinh hoạt truyền thống của vùng đồng bằng Bắc Bộ, từ đó, đưa những vị khách đến những trải nghiệm văn hoá khác nhau. Điểm nhấn trong đó là câu chuyện về những chiếc guốc mộc, nơi khách có thể tự tay làm những chiếc guốc mộc để rồi đem về và tham gia vào những trò chơi dân gian.

Một không gian sáng tạo vừa mới đi vào hoạt động được hơn 1 tháng nay là Cộng Xưởng (số 1A phố Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Điểm khác biệt của Cộng Xưởng so với nhiều không gian sáng tạo khác chính là tính liên ngành và việc cung cấp hỗ trợ cho các nghệ sĩ, nhà sáng tạo trẻ. Cộng Xương cung cấp cho các nghệ sĩ, nhà sáng tạo một không gian sáng tạo tự do, cung cấp nguyên vật liệu có sẵn, cùng với đó là cố vấn của những người có kinh nghiệm của những người đi trước. Việc đề cao tính liên ngành bởi những người sáng lập Cộng Xưởng cho rằng, khi những người thuộc các ngành khác nhau, nhưng ngồi lại với nhau, đưa các góc nhìn khác nhau trong cùng một vấn đề, sản phẩm đáp ứng cho xã hội thì sẽ tìm ra thị trường cho sản phẩm ấy.

Không gian giao lưu giữa những người thực hành nghệ thuật, hỗ trợ nghệ sĩ trẻ ở Cộng Xưởng (Ảnh: VOV)

Nghệ sĩ, giám tuyển nghệ thuật Nguyễn Thế Sơn rất ủng hộ mô hình này và mong muốn mô hình này phát triển bền vững, nhân rộng để có thể giúp các nhà thiết kế nghệ sĩ trẻ, nhà sáng tạo trẻ có cơ hội phát triển. Mới đây, Cộng Xưởng đã khởi động Lễ hội sáng tạo liên ngành 2024, các nghệ sĩ có cơ hội làm việc trong một không gian chung, để từ đó vừa giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, vừa tìm kiếm các cơ hội hợp tác. Cộng Xưởng chỉ là một trong rất nhiều không gian sáng tạo ra đời trong thời gian vừa qua trên địa bàn Hà Nội. Những không gian sáng tạo mới còn phải kể đến Re:born Creative (Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình)… hay một cái tên rất lạ là Ở đây nhà tôi (phố Ngọc Thuỵ, quận Long Biên). Các loại hình nghệ thuật, sáng tạo cũng ngày càng đa dạng, giúp công chúng có nhiều lựa chọn.

Hướng tới Mạng lưới không gian sáng tạo

Hà Nội từng là nơi có những không gian sáng tạo đầu tiên của cả nước. Điển hình nhất phải kể đến Zone 9. Dù Zone 9 phải đóng cửa, nhưng hoạt động của không gian này là một tín hiệu cho sự “bùng nổ” sau này của hàng loạt không gian sáng tạo khác nhau. Theo thống kế, hiện Hà Nội có khoảng 200 không gian sáng tạo, chủ yếu là không gian sáng tạo của tư nhân.

Những không gian sáng tạo tư nhân đã kéo theo sự chuyển dịch của những thiết chế văn hoá công. Điển hình như Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Bảo tàng Hà Nội hay một loạt không gian văn hoá trong phố cổ… Văn Miếu – Quốc Tử Giám không còn là nơi “sáng mở - tối đóng” mà đã trở thành nơi tổ chức giáo dục di sản, tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, tương tác, giao lưu… khiến không gian này ngày một “trẻ” hơn. Điển hình như đầu năm nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám trở thành nơi diễn ra cuộc triển lãm Vẽ con rồng giới thiệu những tác phẩm xuất sắc nhất được chọn lựa từ cuộc thi vẽ tranh minh họa Illustration Challenge #13 do doanh nghiệp sáng tạo TiredCity và cộng đồng nghệ sỹ trẻ Vietnam Local Artist Group (VLAG) tổ chức. Hay trước đó, Văn Miếu – Quốc Tử Giám từng tổ chức triển lãm tương tác, “đối thoại” giữa nghệ thuật thư pháp và graffiti – một cổ truyền của phương Đông, một hiện đại của phương Tây.

Triển lãm "Vẽ con Rồng" tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám thu hút nhiều đối tượng khán giả (Ảnh: Nguyên Phương)

Còn tại phố cổ Hà Nội, không chỉ những di tích lớn, những di tích nhỏ, ít được công chúng biết đến như: đình Phả Trúc Lâm, đình Tú Thị… cũng “gia nhập” các hoạt động sáng tạo thông qua dự án “Chuyện đình trong phố”. Các nghệ sĩ, nhà sáng tạo đã nối tiếp những câu chuyện cũ ở chính các con phố, các di tích để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật hay sản phẩm công nghiệp văn hoá mang hơi thở đương đại.

Tuy hoạt động và phát triển sôi nổi là thế, các không gian sáng tạo còn gặp nhiều khó khăn do thiếu sự ổn định về địa điểm và mô hình nguồn lực. Một mâu thuẫn đang tồn tại là, trong khi nhiều thiết chế văn hoá công chưa sử dụng hết công suất thì các không gian sáng tạo tư lại đang thiếu mặt bằng. Điều này có thể khắc phục được bằng những nỗ lực từ phía thành phố, mà cụ thể là việc ra đời của Mạng lưới không gian văn hóa sáng tạo chính thức của thành phố Hà Nội. Việc thành lập Mạng lưới cũng chính là một trong những cam kết mà Hà Nội đã và đang nỗ lực thực hiện với tư cách là thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2019.

Mạng lưới không gian văn hóa sáng tạo chính thức của thành phố sẽ được điều phối bởi trung tâm điều phối Sáng tạo đặt tại Bảo tàng Hà Nội. Để chuẩn bị cho sáng kiến này, từ năm 2023, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã triển khai xây dựng Bộ Tiêu chí phân loại, đánh giá không gian văn hóa sáng tạo Hà Nội. Dựa vào bộ tiêu chí, các bên liên quan sẽ hiểu hơn về thế nào là không gian văn hóa sáng tạo và hướng tới xây dựng tổ chức của mình theo định hướng trở thành một không gian văn hóa sáng tạo. Bộ tiêu chí giúp định hình và phân loại và kiểm kê các không gian văn hóa sáng tạo trên khắp thành phố. Từ đó, thành phố Hà Nội sẽ tiến hành kêu gọi không gian tham gia vào Mạng lưới các không gian văn hóa sáng tạo chính thức của Hà Nội.

Những hình thức, không gian sáng tạo cộng đồng khai thác văn hóa bản địa đang ngày càng được công chúng hưởng ứng và đón nhận (Ảnh: Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2023)

Cùng với sự ra đời của Trung tâm điều phối Sáng tạo, Mạng lưới chắc chắn sẽ là một nền tảng và cơ chế hữu ích và thiết thực để các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi, hợp tác và tạo ra tác động to lớn hơn cho ngành công nghiệp văn hóa thành phố, góp phần xây dựng thương hiệu và bản sắc thành phố, tạo tiếng vang cho thành phố ở quy mô quốc tế. Sự ra đời của mạng lưới chính thức được kỳ vọng sẽ phát triển bài bản, giúp các không gian sáng tạo hoạt động ổn định và lâu dài, làm giảm bớt tình trạng tự phát, sớm nở tối tối tàn như hiện nay.

Đó là môt tín hiệu vui từ cả hai phía công - tư. Thông qua các hoạt động hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, các nhà sáng tạo ở cả hai phía cùng mở ra tư duy phát triển liên ngành, cùng hợp tác thúc đẩy kinh tế sáng tạo của thành phố, hướng tới những mục tiêu phát triển bền vững và hài hòa, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân thành phố và cho cả đất nước. Bí quyết nằm ở các dự án sáng tạo kết hợp khai thác văn hóa bản địa đem lại các sản phẩm và dịch vụ bền vững, thân thiện với môi trường dựa trên tư duy hợp tác liên ngành, tận dụng sức mạnh của công nghệ, với động cơ phát triển xã hội và cộng đồng vì một tương lai lâu dài, lành mạnh.