Tin tức & Bài viết

Các Lễ hội sáng tạo thay đổi bộ mặt thành phố như thế nào?

Đăng ngày
6/11/2024

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội đã và đang đóng góp vào việc thay đổi diện mạo của Thủ đô, không chỉ về hình ảnh thương hiệu của thành phố mà còn đem lại những tác động cụ thể về kinh tế, văn hóa, và xã hội.

Về cơ bản, lễ hội là một sự kiện văn hóa đặc biệt, mang tính cộng đồng rõ rệt. Các lễ hội là nơi giao lưu, gặp gỡ cởi mở, mang đến không khí sôi nổi truyền cảm hứng cho những người tham gia. Lễ hội còn là nơi thể hiện, phản ánh những nét văn hoá đặc trưng nhất của cộng đồng. Lễ hội đồng thời đem lại các cơ hội thương mại, và quảng bá cho các bên tham gia. Do đó, tùy vào quy mô tổ chức, các lễ hội thường niên có thể được coi là “bộ mặt” văn hóa đặc trưng cho một địa phương, giúp thúc đẩy sự phát triển đa diện cho địa phương.

Năm 2019, Hà Nội gia nhập mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực Thiết kế Sáng tạo. Với tính chất là một đô thị loại đặc biệt, với vai trò là thành phố độc đáo về thiết kế sáng tạo trong bối cảnh sáng tạo toàn cầu, Hà Nội cần phải đáp ứng các tiêu chí khắt khe về kiến trúc, cảnh quan đô thị, có cơ cấu lao động phù hợp với mục tiêu phát triển, và đặc biệt là thể hiện vai trò thúc đẩy công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế sáng tạo.

Trên bước đường chứng tỏ và khai mở tối đa tiềm năng phát triển trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội cho đến nay là một minh chứng mạnh mẽ cho ngành công nghiệp văn hóa của thành phố ở thời kỳ mới, giúp thay đổi diện mạo thành phố, thay đổi nhận thức của người dân, đồng thời giữ vị thế là thành phố tiên phong sáng tạo của cả nước.

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo đã đem lại điều gì cho Hà Nội?

Qua 3 mùa, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội đều lựa chọn địa điểm tổ tổ chức tại những không gian di sản đặc biệt của Hà Nội, qua đó “đánh thức” những di sản của thành phố.

Đóng góp ngay trước mắt có thể nhìn thấy của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội là việc cải tạo không gian đô thị của thành phố. Lễ hội đã tận dụng nhiều không gian di sản thú vị còn “ẩn giấu” và biến chúng thành những điểm nhấn thu hút đông đảo người dân, như Trung tâm văn hóa 22 Hàng Buồm, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Tháp nước Hàng Đậu, tòa nhà Bắc Bộ Phủ (nay là Nhà khách Chính phủ), Trường Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội), Cung Thiếu nhi…

Không gian 22 Hàng Buồm trong Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo 2021 - tiền thân Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội.

Khởi đầu vào năm 2021, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội đã mở cửa không gian sáng tạo tại 22 Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm) - xưa kia đã từng là nơi sinh hoạt cộng đồng và tín ngưỡng của người dân. Từ đó đến nay, địa chỉ 22 Hàng Buồm trở thành không gian thường xuyên được sử dụng để tổ chức các sự kiện văn hoá, nghệ thuật sáng tạo của thành phố.

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 đã thổi hồn vào không gian di sản công nghiệp của Nhà máy Xe lửa Gia Lâm thành tổ hợp sáng tạo nghệ thuật rực rỡ

Năm 2023, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội gây ấn tượng với việc cải tạo không gian di sản công nghiệp Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (quận Long Biên) trở thành một tụ điểm để ngành công nghiệp sáng tạo thủ đô cũng như công chúng kéo về tổ chức, thưởng lãm những tác phẩm nghệ thuật, sáng tạo vô cùng đương đại, sôi động.

Tháp nước Hàng Đậu lần đầu mở cửa sau gần 100 năm trong dịp Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 thu hút lượng lớn du khách tham quan.

Bên cạnh đó, Tháp nước Hàng Đậu (quận Ba Đình) một di sản công nghiệp của Thủ đô cũng được các nghệ sĩ và kiến trúc “hô biến” trở thành không gian sáng tạo vô cùng độc đáo, thu hút hàng ngàn các bạn trẻ, người dân Thủ đô cũng như du khách lần đầu xếp hàng dài ghé thăm.

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2024 tiếp tục “chạm” đến Cung Thiếu nhi Hà Nội (quận Hoàn Kiếm), hô biến nơi đây trở thành một “bảo tàng ký ức" và một sân chơi sáng tạo sống động, thu hút không chỉ trẻ em mà cả các bạn trẻ, những người trưởng thành, người cao tuổi trở về với những ký ức ngây thơ, trong trẻo, hồn nhiên và thoả sức khám phá, sáng tạo qua hàng loạt các hoạt động triển lãm, workshop…

Không gian Bắc Bộ Phủ hay Nhà khách Chính phủ (quận Hoàn Kiếm) cũng trở thành một điểm sáng trong Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2024 để công chúng Thủ đô ghé thăm, lần đầu thưởng thức di sản chưa từng được mở cửa rộng rãi này.

Bắc Bộ Phủ, Nhà hát Lớn, tòa nhà Đại học Tổng hợp - những di sản sẽ lần đầu tiên mở cửa đón du khách tham quan chỉ trong Lễ hội 2024.

Mở cửa những không gian di sản chưa từng được đón khách tham quan hay ít ai biết tới, Lễ hội đã chứng minh được tư duy và ý nghĩa kết nối di sản bằng nhịp cầu sáng tạo. Bằng cách lựa chọn những không gian độc đáo của thành phố và thổi vào đó chất liệu sáng tạo, nghệ thuật, khơi gợi sự quan tâm, tìm hiểu của người dân và công chúng, Lễ hội góp phần tôn vinh sự giàu có, đa dạng, phong phú và bề dày lịch sử của các di sản của Thủ đô.

Nhiều không gian tưởng chừng như ít người biết tới, chẳng mấy khi tới thăm (ví dụ khu xưởng nằm sâu trong Nhà máy Xe lửa Gia Lâm) trở thành một nơi chốn truyền cảm hứng, một không gian lễ hội phục vụ công chúng, nơi diễn ra hàng loạt các hoạt động sáng tạo sôi nổi. Lễ hội mang tới những trải nghiệm mới mẻ, và góp phần làm đẹp, cải thiện đời sống tinh thần, góp thêm sân chơi nghệ thuật-sáng tạo cho người dân. Từ đó, Lễ hội góp phần giải được bài toán khó trong việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa giải trí cộng đồng, cũng như giải quyết phần nào vấn đề thiếu không gian sinh hoạt cộng đồng của dân cư đô thị.

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo còn góp phần nâng cao hình ảnh và thương hiệu Hà Nội - “Thành phố Sáng tạo”

Thông qua các hoạt động thiết kế sáng tạo các công trình kiến trúc biểu tượng và các hoạt động triển lãm đa dạng tại các địa điểm công cộng, Lễ hội đã giúp nâng tầm hình ảnh cho Hà Nội, giúp Hà Nội khẳng định vị thế là một thành phố sáng tạo, năng động và có sức hút. Hơn 200.000 ngàn lượt khách tham dự tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2023 và tăng dần qua từng năm là những con số rất khả quan.

Cùng với sự trưởng thành qua thời gian và rất nhiều tâm huyết cũng như tài năng, Lễ hội sẽ trở thành một dịp đáng chờ mong nhất trong năm, biến Hà Nội trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, kèm theo đó là cơ hội quảng bá văn hoá, quảng bá tài năng, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm sáng tạo từ Việt Nam, và chắc chắn sẽ góp phần nâng cao hình ảnh và thương hiệu của Hà Nội sáng tạo trong mắt bạn bè trong nước cũng như quốc tế.

Không khí người dân thủ đô và du khách quốc tế hào hứng tham gia các hoạt động trong Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội.

Không chỉ cải tạo không gian, nâng cao hình ảnh của Hà Nội, Lễ hội Thiết Kế Sáng tạo còn giúp cải biến bức tranh kinh tế sáng tạo, văn hóa, và xã hội của cả thành phố.

Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2023, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã bán ra 26.000 vé tàu cho khách trải nghiệm tuyến tàu di sản của Lễ hội và số lượng này, được biết, vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của du khách.

Qua các hoạt động sáng tạo sôi nổi, Lễ hội gián tiếp tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư, thu hút các nhà tài trợ cho các dự án sáng tạo. Các sản phẩm được giới thiệu tại lễ hội có cơ hội tiếp cận các nhà đầu tư và nhà tài trợ, không chỉ trong nước mà còn cả quốc tế.  Với khả năng kết nối và quảng bá mạnh mẽ và vị thế thủ đô Hà Nội, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo có thể thu hút nguồn lực quốc tế, thúc đẩy các trao đổi hợp tác quốc tế.

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 thu hút lượng lớn khách tham quan và sẵn sàng chi tiền cho các hoạt động trải nghiệm văn hóa sáng tạo

Về đóng góp văn hóa - xã hội, các hoạt động giáo dục, tọa đàm, hội thảo của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội đang hiện thực hóa mục tiêu của mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO đó là phát triển bền vững và bảo tồn các không gian di sản, sinh thái của thành phố. Các hội thảo về Đề án xây dựng công viên văn hoá cảnh quan bãi giữa sông Hồng – Tầm nhìn và giải pháp năm 2023 do Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội phối hợp cùng Tạp chí Kiến trúc, UN- HABITAT và các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Long Biên tổ chức đã góp phần thúc đẩy các hoạt động thiết kế sáng tạo trong cộng đồng, hướng tới hình thành các không gian xanh, an toàn, tiện ích nhằm tạo động lực phát triển bền vững.

Từ là nơi vui chơi, thưởng lãm, gặp gỡ, giao lưu, kết nối, trao đổi, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội đã giúp người dân cũng như du khách hiểu rõ hơn về vai trò của thiết kế và sáng tạo trong cuộc sống, tạo nên những ký ức tập thể, đi sâu vào tâm thức cộng đồng về một hình ảnh - bản sắc thủ đô Hà Nội sáng tạo, phát triển vững mạnh, cởi mở với quốc tế.

Các lễ hội thiết kế sáng tạo trên thế giới giúp cải biến thành phố như thế nào?

Có thể thấy, các Lễ hội Thiết kế Sáng tạo đóng góp vô cùng quan trọng vào việc phát triển nền kinh tế sáng tạo, nâng cao nhận thức về vai trò của thiết kế, kết nối cộng đồng sáng tạo, quảng bá mạnh mẽ thương hiệu của thành phố, sau cùng là hình ảnh quốc gia. Và dưới đây là một số ví dụ:

Các lễ hội như Milan Design Week (Tuần lễ thiết kế Milan) của Ý tại Milan, London Design Festival tại thành phố London Anh, Tokyo Design Week tại Tokyo Nhật Bản, hay Seoul Design Festival tại Thủ đô Seoul Hàn Quốc,... là những sự kiện thiết kế lớn và có tầm ảnh hưởng thế giới. Các lễ hội chú trọng tạo ra các cơ hội thương mại và phát triển lĩnh vực thiết kế này bên cạnh việc đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của kinh tế sáng tạo còn góp phần khẳng định thương hiệu mang tầm quốc tế của các thành phố, các quốc gia sáng tạo bằng việc thể hiện đẳng cấp, dẫn đầu xu hướng với những “đặc sản’ sáng tạo độc đáo.

Bên cạnh đó, Venice BiennaleSydney Festival là hai trường hợp thú vị khác cho thấy các lễ hội có thể trở thành động lực thay đổi cho thành phố như thế nào.

Ra đời từ năm 1895, Venice Biennale không chỉ là một sự kiện nghệ thuật quốc tế danh giá, mà còn là một động lực quan trọng thúc đẩy sự thay đổi và phát triển của thành phố Venice. Sự kiện này đã tác động đến Venice theo nhiều cách khác nhau, từ việc nâng cao vị thế văn hóa, kinh tế, đóng góp cho ngành du lịch, cho đến việc bảo tồn và phát huy di sản.

Về du lịch, Biennale thu hút hàng triệu du khách đến Venice mỗi năm, góp phần đáng kể vào nền kinh tế địa phương. Thông thường, Biennale diễn ra vào mùa thu, giúp kéo dài mùa du lịch của thành phố, giảm thiểu tình trạng mùa vụ. Biennale khuyến khích du khách tìm hiểu về nghệ thuật, văn hóa và lịch sử của Venice, góp phần đa dạng hóa hình thức du lịch.

Ảnh: không gian lễ hội Biennale. Nguồn: Vogue

Đóng góp cho sự phát triển đô thị đi đôi với bảo tồn di sản, để phục vụ cho Biennale, thành phố Venice đã đầu tư nâng cấp các cơ sở hạ tầng như đường xá, hệ thống giao thông công cộng, các địa điểm tổ chức sự kiện. Venice Biennale đã tạo điều kiện để phát triển các không gian công cộng mới, phục vụ nhu cầu của cả người dân địa phương và du khách. Nhiều khu vực cũ của Venice đã được cải tạo và sử dụng để tổ chức các triển lãm, sự kiện trong khuôn khổ biennale, góp phần tái sinh các khu vực này. Biennale giúp nâng cao nhận thức của công chúng về giá trị của di sản văn hóa và lịch sử của Venice. Để tổ chức biennale, nhiều công trình kiến trúc cổ đã được trùng tu và bảo tồn. Biennale đã tạo điều kiện để các dự án bảo tồn di sản được triển khai, góp phần gìn giữ vẻ đẹp của thành phố.

Ảnh: triển lãm lễ hội biennale tại thành phố Venice. Nguồn ảnh: houseandgarden

Xét về đời sống văn hoá - xã hội, Venice Biennale thu hút một cộng đồng nghệ thuật tinh hoa, gồm các nghệ sĩ, giám tuyển, nhà phê bình nghệ thuật và những người làm việc trong lĩnh vực  nghệ thuật, kiến trúc, điện ảnh, múa, âm nhạc và sân khấu xuất sắc từ khắp nơi trên thế giới đến Venice, tạo ra một cộng đồng nghệ thuật sôi động giúp dẫn đầu xu hướng. Trong đó, Biennale tạo ra một môi trường sáng tạo mang tầm vóc toàn cầu, tạo ảnh hưởng đến bức tranh nghệ thuật của thế giới.

Lễ hội này đồng thời góp phần làm phong phú đời sống văn hóa của thành phố Venice, với nhiều hoạt động như triển lãm, hội thảo, biểu diễn nghệ thuật, khiến cho các cư dân luôn bận rộn thụ hưởng không khí lễ hội.

Sydney Festival ra đời năm 1977, là lễ hội nghệ thuật quan trọng nhất của Sydney - thành phố lớn nhất nước Úc, đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc vừa định hình vừa làm mới của thành phố Sydney. Sự kiện này không chỉ đơn thuần là một lễ hội văn hóa giải trí mà còn là một chất xúc tác mạnh mẽ, tác động đến nhiều khía cạnh khác nhau của đô thị.

Ảnh: Các con số thống kê của Sydney Festival 2024: Liên hoan kéo dài trong 24 ngày, có doanh thu 15,5 triệu đô la Úc (tương đương gần 260 tỷ đồng Việt Nam), bao gồm 148 sự kiện; 424 buổi diễn tại 54 địa điểm. Liên hoan thu hút 1250 nghệ sĩ đến từ Úc và 21 quốc gia, với số lượng công chúng tham gia festival là 261,414 người cho các sự kiện bán vé cũng như các sự kiện triển lãm và sự kiện miễn phí. Nguồn: Sydney Festival.

Thứ nhất, Sydney Festival đã đưa thành phố trở thành một trong những điểm đến văn hóa hấp dẫn của thế giới. Lễ hội là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau, qua đó khẳng định sự đa dạng và cởi mở của Sydney, giúp nâng cao vị thế văn hóa của Sydney.

Về kinh tế, lượng khách du lịch đổ về Sydney trong thời gian diễn ra lễ hội đã mang lại nguồn thu lớn cho các ngành dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, vận tải. Lễ hội tạo ra nhiều việc làm trong các lĩnh vực nghệ thuật, tổ chức sự kiện, dịch vụ,...

Với đổi mới sáng tạo, Sydney Festival là một sân chơi cho các nghệ sĩ, khuyến khích nhà sáng tạo thể hiện tài năng và những ý tưởng mới. Các tác phẩm nghệ thuật trình diễn tại lễ hội thường mang tính thử nghiệm và tiên phong, tạo ra những xu hướng mới trong nghệ thuật, thúc đẩy sự đổi mới.

Ảnh: Một triển lãm tại Lễ hội Sydney. Nguồn ảnh: sydneyfestival

Với cải thiện không gian đô thị, nhiều địa điểm công cộng của Sydney như các công viên, quảng trường, nhà hát được tận dụng để tổ chức các hoạt động của lễ hội, làm cho chúng trở nên sống động và hấp dẫn hơn. Các tác phẩm nghệ thuật đường phố và các cài đặt nghệ thuật trong không gian công cộng đã làm cho thành phố Sydney trở nên sinh động và đẹp mắt hơn.

Cũng như các lễ hội trên thế giới, Sydney Festival tạo ra không gian gặp gỡ, giao lưu, là nơi mọi người có thể cùng nhau thưởng thức nghệ thuật, giao lưu và chia sẻ những trải nghiệm chung. Từ đó, Sydney Festival góp phần xây dựng một cộng đồng đoàn kết, gắn bó và yêu thích nghệ thuật.

Ảnh: Không gian lễ hội Nhà hát Opera Sydney. Nguồn ảnh: nationalgeographic

Sự thành công của Sydney Festival đã thúc đẩy sự phát triển của các khu vực nghệ thuật mới tại Sydney, như khu vực xung quanh Nhà hát Opera Sydney. Chính quyền thành phố Sydney đã tăng cường đầu tư vào các hoạt động văn hóa, nghệ thuật nhằm duy trì và phát triển lễ hội. Lễ hội đã giúp người dân Sydney tiếp cận với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, từ đó nâng cao hiểu biết và yêu thích nghệ thuật, nâng cao nhận thức về nghệ thuật trong cộng đồng.

Từ các ví dụ về các Lễ hội có các tác động tích cực đến các thành phố trên thế giới, có thể thấy Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội - nơi quy tụ nhiều ngành công nghiệp văn hoá - hoàn toàn có thể đem lại dấu ấn sâu sắc và các tác động đa dạng, thu hút nguồn lực ở phạm vi quốc tế. Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội chắc chắn không chỉ là một sự kiện văn hóa thường niên thu hút đông đảo công chúng, đây còn là một nền tảng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của thành phố và của quốc gia./